Nạn nhân Văn Phúc Thiên, 13 tuổi (Ảnh: VNN)
Điển hình vụ gần đây nhất là vụ việc bé Nguyễn Hoàng Anh (3 tuổi) ở Gò Vấp, TPHCM đã bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn dẫn đến hàng loạt chấn thương nghiêm trọng. Nếu không được hàng xóm và địa phương đưa đi cấp cứu kịp thời thì có lẽ, bé đã không còn.
Trước đó, vụ cháu bé Châu Văn Phúc Thiên (13 tuổi) ngụ tỉnh Ninh Thuận bị chính cha mẹ ruột của mình dùng dây xích trói, buộc vào cửa và bạo hành dã man khiến dư luận hết sức bất bình. Nhìn những thương tật trên khắp cơ thể cháu Thiên, người ta không khỏi bàng hoàng về hành vi thú tính của những bậc làm cha, làm mẹ với chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Rồi hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em tại các trường mầm non, các nhóm nuôi trẻ… một lần nữa lại dóng lên một hồi chuông báo động về trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ, cơ quan chức năng về quyền trẻ em hiện nay đã được thực hiện như thế nào….
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, số lượng vụ xâm hại trẻ em bị cơ quan chức năng phát hiện hàng năm càng ngày càng tăng với những con số giật mình. Nếu như năm 2009 là 3.000 vụ, đến năm 2011 đã tăng lên hơn 7.000 vụ. Đây là theo con số thống kê các vụ việc bị phát hiện, được đưa ra ánh sáng, bị xử lý, còn con số thực sự có thể lớn hơn rất nhiều.
Những sự việc ngược đãi thương tâm này một lần nữa khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Vậy vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đang ở đâu? Họ cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những sự ngược đãi thương tâm?