Nhiều ý kiến cho rằng, các mảnh vỡ của vệ tinh này cũng có thể gây nguy hiểm cho các khu dân cư hoặc làm hư hại tới các vệ tinh hay tàu vũ trụ khác đang hoạt động. Một lần nữa, vấn đề rác vũ trụ lại trở thành mối lo ngại hiện nay.
Vệ tinh nghiên cứu tầng thượng quyển của trái đất UARS của NASA có khối lượng 6,5 tấn, được một tàu con thoi đưa lên quỹ đạo vào tháng 9/1991 để đo ozone và các hóa chất khác trong bầu khí quyển trái đất, sứ mệnh của nó kết thúc vào năm 2005.
Theo các nhà khoa học, vệ tinh này sẽ rơi khỏi quỹ đạo của nó vào cuối tháng này, tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại chính là việc không ai biết được chính xác thời điểm cũng như địa điểm mà vệ tinh này sẽ rơi. Theo theo dõi của các nhà khoa học NASA thì hầu hết các mảnh vỡ của vệ tinh này sẽ cháy hết trong bầu khí quyền, song có những mảnh vỡ lớn không cháy hết sẽ rơi xuống trái đất. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, nhiều khả năng, các mảnh vỡ của vệ tinh trên sẽ rơi xuống biển hoặc khu vực không có người ở.
Chuyện các vệ tinh và tên lửa cũ rơi trở lại trái đất không phải là điều gì mới mẻ. Năm ngoái, khoảng 400 mảnh vỡ từ rác vũ trụ đã rơi trở lại tầng khí quyển. Năm 2001, trạm vũ trụ Mir của Nga đã rơi xuống trái đất.
Rác vũ trụ là các tàu vũ trụ không còn hoạt động, vệ tinh nhân tạo cũ, tên lửa đã qua sử dụng hay mảnh vỡ từ các vụ va chạm vệ tinh nhân tạo. Chúng bay xung quanh trái đất với tốc độ có thể lên tới 28.163 km/h. Với tốc độ đó, một mảnh rác nhỏ xíu cũng có thể phá hoại vệ tinh nhân tạo hay các tàu vũ trụ bất cứ lúc nào.