Rối nước - Sức sống của di sản

Hoàng Trang-Thứ tư, ngày 23/02/2011 09:30 GMT+7

Cùng với Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nguyên Xá, Đông Hưng (Thái Bình), rối nước làng Rạch, thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang, Nam Trực (Nam Định) đến nay vẫn được coi là phường rối giàu truyền thống.

Câu chuyện bảo tồn, phát huy nghề làm con rối và múa rối nước ở làng Rạch có thể xem như một minh chứng điển hình cho việc nuôi dưỡng, bảo tồn sức sống của di sản ngay tại cộng đồng, một cách bảo tồn mộc mạc, giản dị, nhưng hiệu quả để các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được gìn giữ ngay tại nơi đã sinh ra.

Hôm nay, người dân thôn Bàn Thạch (làng Rạch) xưa nô nức tham dự Lễ hội làng tưởng nhớ Thành Hoàng - người sinh ra nghề rối nước truyền thống của quê hương. Chương trình biểu diễn của phường rối dù đã khá quen thuộc, vẫn là tâm điểm của lễ hội thu hút hàng ngàn khán giả từ khắp các xã lân cận.
Đã hơn 600 năm qua, theo các bậc cao niên trong làng kể lại, gần 20 đời nghệ sĩ của làng cứ truyền nhau những trò diễn độc đáo của phường rối mà ba dòng họ lớn Phan, Đặng, Phạm nâng niu gìn giữ như những báu vật gia truyền. Dù đã có lúc, vì lo cho sự tồn vong của nghề tổ, rối nước làng Rạch từng chạy lên bờ đi tìm các ao, hồ ở tận Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, Nghệ An… để diễn, nhưng người dân ở đây vẫn tự hào vì chưa bao giờ để mai một vốn cổ của làng.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm - người con của làng sinh ra trong gia đình có 5 đời theo nghiệp rối được biết đến như người đầu tiên sáng tạo ra mô hình rối nước độc diễn. Dù đã đi biểu diễn tại hàng chục quốc gia và gặt hái thành công trong nhiều kỳ liên hoan nghệ thuật toàn quốc, vẫn khẳng định, không ở đâu mà rối nước đặc sắc và có hồn như khi vẫy vùng trong chiếc ao làng mình.
Các nghệ sĩ nông dân ở quê anh những lúc nông nhàn vẫn chỉ độc bộ cánh nâu, chiếc quần đùi, bất kể đông hè, say sưa biểu diễn, truyền những trò rối cổ như Tễu đầu xuân, Kéo cá dâng hoa, Dệt vải cho con cháu. Chính sự mộc mạc và bảo tồn nghề tổ hết sức hồn nhiên ấy của các nghệ nhân đã khiến anh luôn trăn trở, để dù cải tiến con trò, tiết mục thế nào, thì rối nước vẫn phải mang bản sắc truyền thống quê hương.
Giờ đây, nhắc đến rối nước làng Rạch, người ta sẽ nhớ đến một phường rối nức tiếng với 18 trò rối cổ, nơi các nghệ nhân biết tự làm con rối để biểu diễn, cũng là nơi sinh ra những người thầy đầu tiên truyền nghề để thành lập nên Nhà hát Múa rối Trung ương. Làng Rạch cũng còn là mảnh đất hiếm hoi, nơi đã sinh ra một di sản độc đáo và nuôi dưỡng được di sản ấy bằng chính những nỗ lực của nhân dân địa phương suốt nhiều thế kỉ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước