Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

VTV/VPG-Thứ tư, ngày 06/06/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo chương trình làm việc của Quốc hội, hôm nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bước sang ngày thứ ba của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 61 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng cao. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, xác định rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện. Nhiều đại biểu đã tranh luận với Bộ trưởng, làm rõ các vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục đào tạo, trong đó quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh lộ trình triển khai đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học; thu hút thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào giáo dục đào tạo; quy hoạch lại hệ thống đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm... để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo thời kỳ mới. 

Chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế

Tham gia phát biểu giải trình về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vừa qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn, có những đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng.

Do đó, trong Nghị quyết 19 vừa rồi và trong Nghị quyết 08 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19 đã nêu rất rõ là chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Việc rà soát, sắp xếp lại phải thực hiện ngay trong năm 2018.

Để thực hiện nghiêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục công lập phải rà soát lại biên chế được giao và đánh giá về năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng trong thời gian vừa qua.

Đối với Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị phải có quy định để gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, tức là những người ưu tiên làm chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ trên 65%. Hiện nay làm công tác hành chính, quản lý chuyên môn chiếm tỷ lệ còn khá lớn.

Cân đối lại số biên chế được giao

Nếu những nơi nào còn thiếu thì chúng ta phải tuyển ngay để đáp ứng được yêu cầu, không thể để cho học sinh không có giáo viên dạy và cân đối trong số biên chế đã được giao.

Bộ trưởng Nội vụ đề nghị phải sắp xếp và tính toán lại định mức trong các trường đối với số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên. Tính toán lại tất cả định mức này để cân đối lại trong số giáo viên, số biên chế được giao trong thời gian vừa qua.

Đối với những trường hợp tuyển dụng viên chức thừa so với được giao thì giao cho các địa phương phải rà soát và phải bố trí giải quyết công việc cho những giáo viên này trước và sau đó nếu trường hợp không được thì chúng ta sẽ thực hiện tinh giản biên chế.

Đối với những địa phương tăng dân số cơ học, không thể cân đối được cần xem xét, bổ sung biên chế, tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cũng giải trình một số vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên mầm non; chính sách đối với giáo viên mầm non…

Sẽ quy định cụ thể về giáo dục hướng nghiệp

Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung; Nguyễn Văn Thân, Đào Tú Hoa,... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục chất lượng cao; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Về vấn đề phân luồng, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là vấn đề mới, Trung ương đã chỉ đạo nhiều, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi là do chương trình giáo dục chưa rõ nét trong quy định về hướng nghiệp và phân luồng; hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực làm công tác hướng nghiệp nhằm khắc phục tình trạng này. 

Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải quán triệt tinh thần là lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai,...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội).

Làm gì để ngăn chặn tình trạng sinh viên thất nghiệp?

Trả lời chất vấn của đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân. Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.Làm gì để ngăn chặn tình trạng sinh viên thất nghiệp?

Theo đó, "chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường", phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động, nâng cao chất lượng, đào tạo theo vị trí.

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động. Qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau của quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; "tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì".

Về phía Bộ, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát "mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng", Bộ trưởng khẳng định và cho biết "tăng hậu kiểm, không nặng về tiền kiểm như trước", đồng thời công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, dùng thông tin dư luận để điều chế lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt.

Thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao

Về giáo dục chất lượng cao, Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; theo đó ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học; tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này...Thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao

Về tiến độ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian thực hiện, trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng cố gắng hoàn thiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo;... 

Về nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương, cơ quan liên quan hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Cách đây 5, 7 năm công tác này rất hiệu quả. Nhưng gần đây hoạt động này có vấn đề, vì nhiều người đi học về không bố trí được việc làm. Bộ đã tiến hành khảo sát tại các vùng khó khăn, vùng 30a,... phương hướng sắp tới là phải gắn trách nhiệm của địa phương đối với các đối tượng cử tuyển.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn - Ảnh 2.

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ

Về giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ. 

Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động. 

Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề,...

Bộ trưởng cho biết về khung khổ pháp luật cơ bản chúng ta đã có, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, mặt trận, phường xã giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.

Sáp nhập, giải thể các trường ĐH kém hiệu quả

Về giải pháp ngăn chặn bệnh thành tích, "lạm phát khen thưởng", theo Bộ trưởng đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, hiện nay vẫn còn phổ biến, tinh thần của Bộ là nói không với bệnh thành tích, tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa. 

Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế khuyến khích người dạy, nhằm bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đích thực chất lượng giáo dục và năng lực thầy cô; bên cạnh đó, tiến hành đổi mới tổ chức công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực;...

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn: Các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. 

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.

Nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên quan đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường. 

Theo chương trình làm việc, dự kiến buổi chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được đổi mới theo hướng "hỏi nhanh, đáp gọn" khi đại biểu chỉ hỏi trong 1 phút và sau khi 3 đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng sẽ trả lời không quá 3 phút/1 đại biểu.

Người hỏi nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý và người trả lời tập trung làm rõ vấn đề chứ không lòng vòng sẽ giúp số lượng người được hỏi tăng lên so với kỳ trước. Sự đổi mới cũng bắt buộc người trả lời phải nghiên cứu rất thấu đáo về lĩnh vực mình phụ trách, để khi đại biểu hỏi sẽ trả lời được ngay.

Toàn cảnh Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn Toàn cảnh Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn trước Quốc hội các vấn đề "nóng" về quản lý đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước