Bệnh nhân COVID-19 đang nguy kịch: Chỉ ghép phổi của người chết não

Minh Đức (VTV News)-Thứ năm, ngày 14/05/2020 10:32 GMT+7

VTV.vn - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, ghép phổi là kỹ thuật ghép tạng cực kỳ khó và chỉ lựa chọn từ các ca hiến đã chết não.

Sáng 14/5, tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết BN 91 là nam phi công người Anh tiếp tục được thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi và can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Hiện phổi của bệnh nhân đã đông đặc gần như toàn bộ, cơ hội hồi phục 2 lá phổi rất thấp. Trong tình huống này,  hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất ghép phổi cho bệnh nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết 10 người đã chủ động liên hệ tới trung tâm đề nghị được hiến phổi cho bệnh nhân thứ 91. Họ đều là người Việt Nam, không quen biết bệnh nhân 91.

Trước đó, một trường hợp chết não nhóm máu O được gia đình đồng ý hiến tặng tạng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phổi của người này đã bị hỏng.

Cuối năm 2019 vừa qua, ca ghép phổi từ người hiến chết não cho người bị bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối đã được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức, đem lại nhiều hi vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh phổi.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, kỹ thuật ghép phổi đã được đội ngũ y tế Việt Nam thực hiện và triển khai thành công mà không cần đến chuyên gia nước ngoài.

Cũng đã có trường hợp ghép thuỳ phổi của 2 người hiến nhưng không nhiều vì rất nguy hiểm. Khác với thận, gan thì ghép được từ người cho sống, trường hợp ghép phổi từ người sống thì tại Việt Nam còn rất hãn hữu. Ghép phổi là phẫu thuật khó nhất trong tất cả các kỹ thuật ghép vì phổi rất dễ bị tổn thương, nhất là với điều kiện khí hậu và môi trường của Việt Nam là nhiệt đới nóng ẩm nhiều vi khuẩn, mà phổi lại là tạng tiếp xúc với bên ngoài trực tiếp.

Tuy nhiên, ghép phổi cần tuân thủ nhiều chỉ định, việc ghép phổi quan trọng nhất là bệnh nhân nguy kịch, nếu ghép tỉ lệ phải đạt lợi ích sống thêm, tỉ lệ cao thì mới ghép.

Để biết sau khi ghép phổi liệu có thành công không, kéo dài sự sống cho bệnh nhân hay không  thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thể trạng bệnh nhân như tình trạng tim, gan, thận, thần kinh. Về mặt chuyên môn phải đánh giá toàn trạng trên các chỉ số rất rõ rệt như sinh hoá máu, tất cả những chỉ số liên quan.

Bệnh nhân 91 nếu ghép phổi cần đáp ứng được hết những yêu cầu trên. Tuy nhiên khi chọn phổi để ghép sẽ chọn người cho đã chết não và đồng ý hiến tạng. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết chỉ 25% số người hiến tạng có phổi ghép tương thích vì phổi là cơ quan dễ tổn thương, thực hiện ghép phổi rất khó. Trên thế giới cũng rất ít áp dụng kỹ thuật này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

ghép phổi

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước