Sáng 22/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Theo Chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và Nghị quyết về Chương trình năm 2021; đồng thời, cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.
Tính đến hết tháng 4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tất cả 10 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đối với 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 5 dự án luật, một dự án được Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình; Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị đưa một dự án ra khỏi Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ quan về công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo; đồng thời, tiếp tục tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có nhiều tiến bộ, tình trạng nợ đọng văn bản giảm dần.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: Tính dự báo của Chương trình không cao. Việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng.
Việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp; đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ. Việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; vẫn còn trường hợp giao một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra phụ trách nhiều dự án. Việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp vẫn chưa bảo đảm thời gian theo quy định.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu ý kiến kiến nghị.
Nhắc lại tình trạng xin lùi, rút, trình chậm, chất lượng một số dự án luật chưa đảm bảo… được nhiều đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chính phủ đã nhìn rõ và đã có những giải pháp. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ coi công tác xây dựng thể chế, xây dựng luật, pháp lệnh là ưu tiên số 1 và liên tục nhắc nhở, chỉ đạo tại các phiên họp thường kỳ; đồng thời tiếp tục giao bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện chương trình xây dựng…
Về mặt vĩ mô, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó gắn trách nhiệm giữa các cơ quan với nhiều quy định cụ thể. Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhắc đến giải pháp tăng cường vai trò giám sát kiểm tra của các cơ quan Đảng đối với công tác xây dựng thể chế, xây dựng luật và pháp lệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!