Đại đa số các ý kiến đều nêu bật tầm quan trọng của Dự luật và cho rằng, Luật cần có những quy định và chế tài cụ thể hơn trong khen thưởng và xử phạt. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cũng nên mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất, khai thác và truyền tải, chứ không nên chỉ bó hẹp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, nhiều đại biểu cho rằng, các nguồn tài nguyên năng lượng của Việt Nam đang sắp cạn kiệt. Theo các nghiên cứu gần đây, than đá và dầu mỏ của Việt Nam sẽ chỉ đủ để sử dụng trong khoảng 30 năm nữa, nhưng hiện nay nhà nước vẫn chủ trương xuất khẩu các nguồn tài nguyên này, bên cạnh đó công tác quản lý khoáng sản thực hiện không tốt cũng gây thất thoát, lãng phí lớn những nguồn tài nguyên không thể phục hồi.
Thực tế cho thấy, việc lãng phí năng lượng hiện nay diễn ra không chỉ ở khâu sử dụng, mà còn cả ở khâu khai thác và sản xuất. Ví dụ, tỷ lệ thất thoát điện năng trên mạng lưới truyền tải của EVN vẫn còn lớn mà chưa có giải pháp khắc phục. Vì vậy, Dự luật nên mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả các khía cạnh này.
Băn khoăn về tên gọi của Dự luật, nhiều đại biểu cũng thắc mắc: Sử dụng năng lượng thế nào gọi là tiết kiệm và hiệu quả. Bởi thực tế, việc sử dụng năng lượng quá tằn tiện sẽ chỉ gây hại cho nền kinh tế. Chính vì vậy, có đại biểu đã kiến nghị: Cần quy định rõ tỷ lệ năng lượng tiết kiệm được tính trên hiệu quả kinh tế của những lĩnh vực cụ thể và xác định thế nào là hiệu quả.
Liên quan đến nỗ lực của nhiều đơn vị trong việc giảm tiêu thụ điện năng, các đại biểu cho rằng, Luật cần có thêm quy định về mức khen thưởng đối với những thành quả trong việc tiết kiệm năng lượng. Bởi xử phạt và khen thưởng phải nghiêm minh, nếu đã quy định lãng phí, bị xử phạt thì cũng phải quy định tiết kiệm được khen thưởng.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào ngày 17/6.