Tái cấu trúc: Biện pháp cần thiết đối với nền kinh tế VN

Thái Bảo-Thứ tư, ngày 22/02/2012 12:00 GMT+7

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Nhà nước là biện pháp cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam vào lúc này. Đã đến lúc cần hành động, đó là nhận định của các nhà kinh tế quốc tế về nỗ lực tái cấu trúc DN của Việt Nam.

Hưởng ứng đề án tái cấu trúc của Bộ Tài chính đưa ra, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã đưa ra cam kết cắt giảm 5-10% chi phí tài chính.

Thực tế cũng đã cho thấy, để tạo ra 1 đồng doanh thu trong năm 2009, các doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng. Làm sao để tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn sẽ là bài toán chờ lời giải từ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Lou Pagnutti, Chủ tịch Ernst & Young khu vực châu Á Thái Bình Dương: "Câu chuyện sử dụng đồng vốn hiệu quả liên quan đến mục tiêu cắt giảm chi phí, làm cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Vấn đề là Việt Nam cần phải áp dụng được những thông lệ quốc tế tốt nhất trong hoạt động của doanh nghiệp, minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp. Mọi doanh nghiệp ngày nay đều phải để mắt chặt chẽ đến chi phí hoạt động và chi phí quản trị. Để thành công thì bạn cần tiết giảm được những chi phí không cần thiết dù có là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân".
Theo đại diện của Ernst & Young, việc triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp trong giai đoạn đầu có thể sẽ là liều thuốc đắng do tình trạng thất nghiệp xảy ra nhưng về dài hạn, sẽ có nhiều công ăn việc làm mới, ổn định và vững chắc hơn được tạo ra khi nền kinh tế có những doanh nghiệp mang tính cạnh tranh hơn.
Ông Lou Pagnutti cho biết thêm: "Kinh nghiệm tại các nước như Thái Lan, Indonesia hay Singapore cho thấy, sau quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước trở nên hiệu quả, tăng vị thế hơn. Tôi tin rằng thị trường sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả hay không".
Cùng với vấn đề tái cấu trúc, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Theo báo cáo đệ trình Quốc hội của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước là trên 20.000 tỷ đồng, số tiền này sẽ phải được thoái vốn trong vòng 3 năm.
Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, đó sẽ quá trình khó khăn nhưng cần thiết cho nền kinh tế.
"Ở hầu khắp các nước trên thế giới, nếu doanh nghiệp đi chệch ra khỏi ngành, lĩnh vực của họ, họ sẽ khó trở nên hiệu quả như họ mong muốn. Nếu doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của họ, họ sẽ gây dựng chuyên môn cao hơn, năng lực tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Ngược lại, nếu họ dàn trải nguồn vốn của họ ra nhiều lĩnh vực, những mục tiêu kinh tế vĩ mô có thể không được hiện thực hóa, năng lực kỹ thuật của họ sẽ bị pha loãng và yếu kém đi", bà Victoria Kwakwa nói.
Kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện nhận được sự ủng hộ cao của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng thế giới. Tổ chức này cam kết sẽ theo sát nỗ lực của Việt Nam trên các phương diện tài chính, kỹ thuật và tư vấn chính sách.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước