Đề án Chương trình Sữa học đường đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và sẽ triển khai từ năm học 2018 - 2019 đến hết năm 2020. Mục tiêu được đặt ra là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa; 100% bố mẹ, người chăm sóc trẻ cho những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng...
Việc Hà Nội sắp sửa triển khai chương trình Sữa học đường mặc dù được rất phụ huynh ủng hộ, nhưng cũng có không ít người thắc mắc về mục đich của đề án, tại sao nhất định phải là sữa mà không phải một loại thực phẩm nào khác?
Chuyên gia dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chương trình dinh dưỡng học đường gồm 2 mục tiêu, một là cung cấp năng lượng, hai là bổ sung các vi chất thiết yếu còn thiếu cho trẻ. Riêng mục tiêu thứ 2 được tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lựa chọn và thực hiện chương trình sữa học đường. Bởi sữa không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, nó còn đóng vai trò là chất dẫn để bổ sung các vi chất còn thiếu cho trẻ. Việc bổ sung các Vitamin, khoáng chất vào sữa về mặt khoa học sẽ thuận lợi hơn việc bổ sung khi chế biến thịt, cá...
Chuyên gia này cũng cho hay, một số quốc gia có tiến hành bổ sung vi chất thông qua con đường can thiệp dinh dưỡng học đường bằng cách bổ sung vi chất vào dầu ăn, gia vị... Tuy nhiên, các phương pháp đó khó thực hiện và việc bổ sung vi chất thông qua sữa dễ thực hiện và có hiệu quả tốt nhất. Khoa học cũng đã chứng minh sữa tươi là một trong những thức ăn hoàn chỉnh nhất cho trẻ đang tuổi lớn; sữa tươi có hơn 400 dưỡng chất quan trọng với tỉ lệ cân đối giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt là sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em.
Chương trình Sữa học đường quan tâm đặc biệt đến sự đầu tư vào “lứa tuổi vàng” từ 2 – 12 tuổi, nhất là trẻ từ 2 tuổi vừa rời dòng sữa mẹ thì sữa học đường là nguồn bổ sung dinh dưỡng quan trọng bởi ở lứa tuổi này, trẻ phát triển 86% thể chất, chiều cao, trí tuệ của một đời người.
Trên thế giới hiện có khoảng 60 nước tham gia và hưởng ứng Ngày Sữa học đường thế giới do FAO phát động, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội – cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.
Với tình trạng thể chất thấp kém như vậy, mỗi ngày chậm triển khai cho trẻ uống Sữa học đường là một ngày để lỡ cơ hội phát triển của trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!