Tại Hội nghị, một lần nữa, các nhà khoa học bảo tồn đã cảnh báo về hiện trạng, thách thức bảo tồn động, thực vật hoang dã tại Việt Nam. Theo con số thống kê của cơ quan chức năng, 13 năm từ 2000 đến tháng 6/2013, Cục Kiểm lâm đã ghi nhận gần 18.500 trường hợp vi phạm liên quan đến quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, ước tính số vụ vi phạm được phát hiện chỉ chiếm từ 5-10% so với thực tế.
‘ Tê tê là loài động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo vệ. Ảnh minh họa
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các hành động và giải pháp cần tiến hành nhằm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm động, thực vật hoang dã và thảo luận hoàn thiện dự thảo “Hướng dẫn, tuyên truyền các cấp ủy Đảng về công tác chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tổ chức tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã”.
Sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý hoàn thiện của các đại biểu đối với bản dự thảo hướng dẫn, Ban tuyên giáo Trung ương sẽ ban hành Hướng dẫn tới các cấp ủy Đảng, cơ quan, đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của động thực vật hoang dã cũng như các quy định, pháp luật bảo vệ động thực vật hoang dã và tác động tiêu cực của việc tiêu thụ và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.