Trong năm 2016, thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt hơn 38%. Vậy số tài sản lớn liên quan đến tham nhũng đi đâu và làm thế nào để thu hồi? Đó là câu hỏi được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo về "Tăng cường các cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng trong pháp luật phòng chống tham nhũng" do Ban Nội chính Trung ương và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức sáng 21/9.
Một số đại biểu chỉ ra nguyên nhân tài sản do tham nhũng mà có thường khó bị thu hồi. Điểm bất cập nhất là quy trình xử lý dài mà biện pháp áp dụng đầu tiên lại là phi hình sự, chỉ thiên về thuyết phục, khó thu hồi được tài sản tham nhũng.
Biện pháp hình sự và tư pháp được áp dụng cuối cùng, khi mà đối tượng đã có đủ thời gian tẩu tán, khi đó có thu lại cũng chẳng thu được nhiều. Do vậy đã có đại biểu đề xuất một quy trình ngược lại, đó là khi có đấu hiệu tội phạm tham nhũng phải giao cho cơ quan điều tra, khởi tố và xét xử áp dụng ngay biện pháp tố tụng để ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Có đại biểu đề xuất xây dựng đề án kiểm soát tài sản của toàn xã hội nhằm ngăn chặn tài sản dịch chuyển bất hợp pháp từ người này sang người khác. Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng cần bổ sung một số tội danh về làm giàu bất hợp pháp hay bất minh tài sản.
Một số đại biểu cũng cho rằng, để thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng, ngay từ đầu, quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các vụ án tham nhũng phải trú trọng hơn đến phong tỏa tài sản do tham nhũng mà có.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!