Ngày 23/10, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận, góp ý tại hội trường về Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Đề xuất tăng khung giờ làm thêm, số giờ làm việc tối đa trong 1 năm mà doanh nghiệp được phép yêu cầu người lao động thực hiện, đã trở thành chủ đề nóng nhất trong phiên họp.
Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm. Còn theo dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, thời gian được nâng lên tối đa là 400 giờ/năm. Các đại biểu đã có những ý kiến trái chiều về đề xuất này.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, tổng số giờ làm thêm theo thỏa thuận của Việt Nam là 200-300 giờ/năm, thấp khoảng 50% so với các quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Đoàn TP.HCM đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến này. Thực tế, mức lương của người lao động Việt Nam hiện nay còn thấp. Bởi vậy, nhiều người buộc phải làm thêm để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phân tích, làm thêm giờ không có nghĩa là năng suất lao động tăng.
Đối với những người công nhân lao động, họ cũng có những ý kiến khác nhau. Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có tác động đến 55 triệu người lao động tại Việt Nam đang ở độ tuổi lao động. Những người công nhân lao động, đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc tăng khung giờ làm thêm, cho biết họ phải làm thêm để tăng thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Theo cơ quan soạn thảo, việc tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm chỉ tập trung ở 4 ngành trọng điểm là da dày, dệt may, thủy sản, điện tử. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ có lý giải riêng cho đề xuất này. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp cho rằng việc tăng giờ làm thêm tối đa là không cần thiết.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cần kiểm soát việc tăng giờ làm thêm, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng để không phải tuyển dụng lao động mới, rồi phải đóng các loại bảo hiểm cho nhân sự mới. Thay vào đó, DN cần huy động công nhân làm thêm giờ để đảm bảo công việc.
Ngay bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc tăng khung giờ làm sẽ chỉ áp dụng với một số lĩnh vực đặc biệt và quyền lợi của người lao động vẫn được đặt lên hàng đầu.
Một thông tin khác cũng đáng chú trong phiên họp 23/10 là đề xuất phương án giảm giờ làm việc bắt buộc từ 48 giờ như hiện nay xuống 44 giờ/tuần. Đa số ý kiến các đại biểu trong phiên thảo luận đồng tình với đề xuất này để khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, bảo đảm lợi ích cho người lao động.
Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa. Dự kiến, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) với các nội dung bao gồm tăng khung giờ làm thêm, điều chỉnh tuổi hưu, sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp Quốc hội, dự kiến vào ngày 20/11 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!