Trong lần thay đổi giá dịch vụ y tế này, đa số các địa phương đều điều chỉnh tăng từ 70-75% khung giá của Liên bộ Tài chính-Y tế. Nếu so với mức điều chỉnh chung này Khánh Hòa đang là địa phương có mức tăng viện phí cao nhất (91%). Ngành y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ, có 3 yếu tố trước đây mức thu không đủ, đó là yếu tố vật tư tiêu hao, điện nước, kiểm soát nhiễm khuẩn. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này là cần thiết vì có như thế mới bù được thiếu hụt lâu nay trong chi phí khám, điều trị bệnh, hơn nữa có thêm chi phí đầu tư nâng cao chất lượng khám, điều trị.
Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Phó GĐ bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: “Thời gian trước, khó khăn nằm ở bác sĩ. Tiền lương bác sĩ, chúng tôi lấy để bù vào chỗ thu thấp, chính vì bù nên lương thấp, bác sĩ bỏ đi và chúng tôi không đủ tiền mua sắm các thiết bị hiện đại, nên chúng tôi quá tải trong phục vụ”.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là không thể không làm vì 17 năm qua, Khánh Hòa chưa thay đổi viện phí. Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh này cho rằng, cần có lộ trình tăng viện phí hợp lý. Hai vấn đề đặt ra: Giá dịch vụ y tế của Khánh Hòa thuộc loại cao nhất nước thì liệu người dân có mức sống cao nhất nước hay không? Hơn nữa, chất lượng khám chữa bệnh liệu có tương xứng với mức viện phí?
Hiện tại, Khánh Hòa còn hơn 40% người dân chưa có thể bảo hiểm y tế. Ngay cả khi tỉnh này hỗ trợ 85% mức mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo thì vẫn chỉ có khoảng 42% đối tượng này mua thẻ bảo hiểm. Do đó, khó khăn đối với nhiều gia đình sẽ gia tăng khi mức giá dịch vụ tăng lên.
Còn xét về an toàn quỹ bảo hiểm y tế, theo tính toán của Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa, nếu tính mức giá dịch vụ y tế mới, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng thêm 156 tỷ đồng, trong khi quỹ khám chữa bệnh năm nay chỉ tăng 81 tỷ đồng.
“Có nhiều dịch vụ tăng từ 2 lần đến 15-20 lần, nếu chúng ta tăng đột ngột sẽ gây sốc cho toàn xã hội. Hiện nay, mức đóng bảo hiểm vẫn như cũ, nhưng giá viện phí tăng như thế thì quỹ bảo hiểm mất cân đối từ 50-80 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tuân, Phó GĐ Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định.
Dù muốn hay không, giá dịch vụ y tế mới tại Khánh Hoà cũng đã được áp dụng, song những lo ngại vẫn kéo dài. Hiện tại, có xây dựng lại giá dịch vụ y tế hay không thì còn phải chờ thông qua trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa sớm nhất là cuối năm nay. Được biết mới đây, Tổng GĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có công văn gửi lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đề nghị xây dựng lại mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội địa phương và khả năng cân đối quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Hiện tại, 10 địa phương và 5 bệnh viện trung ương đã thực hiện giá dịch vụ y tế mới. Điều này đang làm nhiều gia đình lo lắng bởi lâu nay, với giá dịch vụ y tế cũ, các gia đình đã rất chật vật trong điều trị bệnh thì nay, giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tăng, khó khăn lại càng thêm chồng chất. Vào lúc này, nhiều vấn đề phát sinh có nguy cơ xảy ra sau khi thực hiện giá dịch vụ y tế mới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc để giải quyết từ các ngành chức năng.