Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu thay các máy tàu bị hỏng nhưng vẫn còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan ra sao đang là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, nguyên liệu, máy móc, thiết bị của các tàu đều không được thực hiện đúng hợp đồng. Trong đó, 8 mẫu thép có thành phần hóa học không đạt tiêu chuẩn cấp A của thép đóng tàu đi biển.
Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản đã thừa nhận có sai sót và trách nhiệm trong việc để xảy ra hàng hoạt hư hỏng lớn của 18 chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định
Hơn 2 tháng xảy ra sự việc, lần đầu tiên, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản đã thừa nhận có sai sót và trách nhiệm trong việc để xảy ra hàng hoạt hư hỏng lớn của 18 chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định.
Theo Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Đào Hồng Đức, khi kiểm tra máy tàu, rõ ràng đầy đủ hồ sơ, có ghi là máy thủy hiệu Mitsubishi, mới 100% nên đăng kiểm viên mới cho lắp ráp vào tàu. Máy được làm giả tinh vi nên cán bộ khó phát hiện. Ông Đức cũng khẳng định, chưa phát hiện tiêu cực của đăng kiểm viên.
Còn lãnh đạo Công ty Nam Triệu, nơi đóng 12 trong 18 con tàu bị hỏng cho biết, công ty này thống nhất với dự thảo báo cáo thẩm định và cam kết sẽ khắc phục mọi hỏng hóc cho ngư dân trong thời gian sớm nhất.
Hệ lụy của việc đóng tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định là rất lớn khi nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng tới niềm tin của ngư dân, ảnh hưởng đến những chương trình, chính sách xã hội mà cả hệ thống chính trị đã, đang cùng nỗ lực triển khai.
Dư luận và người dân rất mong sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý đúng người đúng tội để lấy lại niềm tin và công bằng cho ngư dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!