Tê giác Nam Phi bên bờ tuyệt chủng

Bích Thảo -Thứ năm, ngày 18/11/2010 15:00 GMT+7

Tê giác, loài động vật hoang dã quý hiếm của Nam Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ chúng, nhà chức trách Nam Phi đã sử dụng công nghệ định vị GPS nhằm tăng cường khả năng giám sát loài động vật này.

Tê giác ở Công viên quốc gia Kruger của Nam Phi (nguồn istock.com)

Tại khu bảo tồn động vật hoang dã Mafikeng, nằm ở phía tây Johannesburg Nam Phi, chỉ trong vòng 1 năm qua, 6 con thú sống tại đây đã bị tấn công và chỉ 2 con được cứu sống.

Lực lượng chống săn bắn trộm động vật hoang dã của Nam Phi cho biết, loài tê giác quý hiếm có thể biến mất khỏi danh sách động vật hoang dã của Nam Phi trong vòng 20 năm tới nếu các cơ quan chức năng không tiến hành các biện pháp bảo vệ tốt hơn ở các công viên và khu bảo tồn sinh thái.

Để giám sát và bảo vệ tê giác, các nhà chức trách đã gắn thiết bị GPS vào sừng của chúng. Tê giác sẽ được tiêm thuốc mê để gắn thiết bị vào sừng. Thiết bị này được gắn với một hệ thống máy tính chủ và nhờ đó, người ta có thể theo dõi được chặt chẽ sự di chuyển của động vật qua màn hình máy tính.

Rusty Hustler, Cơ quan du lịch Công viên North West, Nam Phi cho biết: "Về cơ bản nó là một thiết bị GPS, qua đó chúng tôi có thể theo dõi và giám sát những con tê giác qua máy tính suốt 24 giờ. Thiết bị này cũng sẽ giúp quan sát được cả môi trường sinh thái của tê giác nữa”.

Thiết bị định vị GPS mới này cũng giúp lực lượng bảo vệ ngăn chặn những hành động đột nhập, săn trộm. "Nó đã cung cấp cho chúng tôi một hệ thống tiên tiến thay cho các hệ thống trước đây. Giờ chúng tôi có thể bắt được những kẻ săn trộm đột nhập công viên". Rusty Hustler nói.

Do nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại khu vực thị trường châu Á tăng mạnh, cộng với lợi nhuận cao chỉ sau buôn bán vũ khí và ma tuý, nạn săn bắn trộm tê giác ở Nam Phi ngày càng nghiêm trọng.

Trước đây, dù đã nỗ lực rất nhiều nhằm bảo vệ loài vật quý hiếm này, song hơn 200 con tê giác đã bị giết hại chỉ trong vòng 1 năm qua tại Nam Phi.

Chính vì vậy, nhà chức trách Nam Phi hy vọng, công nghệ GPS này sẽ giúp lực lượng bảo vệ khu bảo tồn ngăn chặn được các hành động sát hại đối với loài tê giác.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước