Giống như chiều 30 Tết, hôm nay, hai cô bé Nhi và Ngân mới được đi chợ cùng bà và mẹ, hai bé ngạc nhiên khi bà và mẹ mua rất nhiều loại quả. Còn đối với chị Thủy, mẹ của hai đứa trẻ, chị muốn cho các con hiểu ý nghĩa của những buổi chợ chiều ngày 4/5 âm lịch.
Chị Trần Thanh Thủy, số 205/2 Tôn Đức Thắng, HN cho biết: “Đây đúng là dịp đặc biệt trong năm, để nhớ cái tết truyền thống của Việt Nam mình, thứ nữa là dạy cho các con hiểu biết về truyền thống dân gian Việt Nam. Vào dịp Tết Đoan Ngọ khi tôi bằng tuổi các cháu bây giờ, tôi rất nhớ lúc đó vào dịp được nghỉ hè, được đi cùng mẹ, được ăn rất nhiều đồ, đặc biệt là rượu nếp…”.
Là người gốc Hà Nội, từ lúc nhỏ theo mẹ đi chợ, đến nay đã gần 80 tuổi, năm nào bà Trần Ngọc Yến cũng đi chợ để chuẩn bị cho lễ cúng vào sớm mai.
Bà Trần Ngọc Yến, số 205/2 Tôn Đức Thắng, HN nói: “Đi chợ hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai, vì sáng sớm mai phải cúng sớm, cho các cháu dậy sớm bôi vôi vào cổ và ăn rượu nếp…”.
Tục ăn Tết Đoan Ngọ giữa các vùng miền có khác nhau về thời điểm và các vật thức cúng lễ. Ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, ngoài các loại trái cây đầu mùa, lễ cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu rượu nếp. Theo dân gian, rượu nếp cho sâu bọ say và hoa quả cho sâu bọ chết.
Còn theo GS.Sử học Lê Văn Lan, phong tục này mang đậm giá trị văn hóa ẩm thực. Trong đời sống hiện đại, các tục lệ có phôi pha nhiều, cứ đến ngày 5/5, rượu nếp ăn rất ngon, chúng ta có dịp thực hành văn hóa ẩm thực…