Thái Bình khởi công nhiều dự án lớn

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 14/02/2019 20:02 GMT+7

VTV.vn - Sáng 14/2, tỉnh Thái Bình đã khởi công và khánh thành một loạt các dự án có quy mô lớn về giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí Thư và đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dự.

Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, theo hình thức BOT, thu phí trong 23 năm. Với chiều dài hơn 34 km nối Nam Định - Thái Bình với Hải Phòng, khi hoàn thành vào năm 2022, tuyến đường này sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh này.

Cùng với với tuyến đường ven biển, tỉnh Thái Bình cũng chính thức công bố quy hoạch và triển khai dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ, tại huyện Quỳnh Phụ. Theo đó, Tập đoàn ô tô Trường Hải sẽ xây dựng ở đây một chuỗi khép kín từ sản xuất máy nông nghiệp, vật tư nông nghiệp cùng với nghiên cứu, thực nghiệm các loại giống lúa và ngũ cốc.

Với tổng mức đầu tư lên đến 7.800 tỷ đồng, đây cũng sẽ là trung tâm thu mua, kho bảo quản, chế biến và phân phối ngũ cốc lớn nhất miền Bắc, với hệ thống bến thủy nội đồng kết nối với khu công nghiệp với các cánh đồng lúa trong tỉnh Thái Bình. Dự án này của Thaco được cho là sẽ tác động đến thay đổi quan hệ sản xuất một cách cơ bản và tạo nền tảng để nền nông nghiệp lúa đồng bằng Bắc bộ phát triển. Đây cũng là dự án mang tính tiên phong và đột phá về tập trung ruộng đất trên cơ sở hài hòa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp.

Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các dự án này thể hiện tinh thần quyết liệt của "quê lúa" bắt tay vào sản xuất từ ngay sau kỳ nghỉ Tết; những dự án quan trọng về nông nghiệp được triển khai hôm nay đã đưa Thái Bình thành tỉnh kiểu mẫu về ý Đảng lòng dân trong nông nghiệp. Bởi nếu không như vậy, làm sao người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng việc cấp đất với thời hạn 20-30 năm trở lên.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với các bộ, ngành và địa phương địa phương về Thái Bình ngày 14/2 cũng nói lên niềm tin và kỳ vọng của Trung ương đối với Thái Bình là rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tống cựu nghinh tân ở đây được hiểu là tư duy mới, cách làm mới để đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là nông nghiệp thông minh, nông dân cấp tiến, vượt lên chính mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nông thôn trù phù không chỉ với những cánh đồng lúa xanh tốt, mà còn là những mô hình nông nghiệp đa dạng, giá trị gia tăng cao, tạo nhiều sinh kế cho cả lao động có kỹ năng với môi trường trong lành, đậm đà bản sắc văn hóa, từ đó, Thủ tướng cho rằng, chiến lược đi tắt đón đầu của Thái Bình là phải thu hút đầu tư với quy mô lớn, vận động các nhà nông nghiệp tầm cỡ tham gia vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Bởi quá trình phát triển của Việt Nam đã khẳng định, nông nghiệp không chỉ là sinh kế mà là bài toán của toàn dân, cùng với kinh tế số, nông nghiệp trở thành đòn bẩy để đến 2035, Việt Nam trở thành nền kinh tế khá giả.

Cũng trong sáng 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công xây dựng bệnh viện quốc tế Thái Bình của Tập đoàn FLC với tổng vống đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Bệnh viện được xây dựng tại Khu trung tâm y tế ở thành phố Thái Bình với 1.000 giường bệnh và có đầy đủ các chuyên khoa, trong đó, một số chuyên khoa sẽ được đầu tư sâu để phát triển thành chuyên khoa mũi nhọn với trang thiết bị hiện đại nhất. Bệnh viện này sẽ đặt dấu ấn cho kế hoạch đầu tư chuỗi bệnh viện quy mô lớn trên cả nước trong năm tới của Tập đoàn. Khi hoàn thành vào năm 2020, Bệnh viện này sẽ cùng với Khu công nghiệp y dược công nghệ cao tại Vân Đồn, Quảng Ninh tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình của Tập đoàn điện lực Việt Nam có công suất 600 MW, có tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Đây là nhà máy nhiệt điện có công nghệ hiện đại, sử dụng than antracite Quảng Ninh. Tro xỉ của nhà được sử dụng làm phụ gia xi măng nên không có tro xỉ tồn dư, còn khí và nước thải đều thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam.

Từ dự án này, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, bảo đảm cung cấp đủ điện cho đất nước.

Thủ tướng cũng cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, do Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam làm tổng thầu nhưng hiện đang bị đình trệ, mặc dù đã hoàn thành 83% khối lượng công việc. Theo yêu cầu của Thủ tướng, ngay trong tháng 2/2019, Bộ Công Thương sẽ thành lập tổ công tác đánh giá lại dự án có tổng vốn đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng này để Nhiệt điện Thái Bình 2 có thể đi vào hoạt động từ năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước