Từ 19h ngày 19/7, trên tại huyện Lang Chánh có mưa rất to. Đến khoảng 22h cùng ngày, trận lũ ống, lũ quét qua bản Hắc đã cuốn trôi 3 ngôi nhà, làm 2 người bị mất tích, 2 người chết và 3 người bị thương. Hậu quả thiên tai xảy ra đối các hộ sống trong vùng không phải là nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét khiến cho người dân hoàn toàn bị bất ngờ. Điều này cho thấy thiên tai rất khó lường và nguy hiểm.
Tuy nhiên, hậu quả thiên tai còn cho thấy chính quyền địa phương và người dân chưa thực sự lường hết sự nguy hiểm và có phương án phòng tránh hiệu quả, vẫn còn có tâm lý chủ quan, xem nhẹ.
Người dân làng không ai cầm được nước mắt trước cảnh tang thương vừa xảy ra.
"Ở bản Hắc có nhiều hộ sinh sống trong vùng nguy cơ cao, tuy nhiên khi chính quyền thông báo, vận động vẫn có những hộ chủ quan, không di chuyển", ông Ngân Đức Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Trí Nang nói.
Hy vọng vụ tai nạn thương tâm trên sẽ là bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai của địa phương và có thể làm thay đổi cách nghĩ, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mình trước diễn biến ngày càng bất thường của thiên tai.
Hiện trường bản Hắc sau lũ.
Huyện Lang Chánh hiện có 212 điểm, với hơn 600 hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ rất cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Ông Lê Đức Toán - Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, Thanh Hóa nói: "Trong thời gian tới huyện sẽ triển khai các phương án và rà soát lại những điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét để tiếp tục di dân và bố trí quỹ đất di chuyển các hộ này".
Thiên tai rất bất ngờ, khó lường và thực tế trong mùa mưa lũ tại các huyện miền núi Thanh Hóa ở đâu cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai càng bất ngờ, khó lường thì chính quyền địa phương và mỗi người dân lại càng phải nêu cao ý thức cảnh giác để chủ động phòng tránh thiên tai, không lơ là, chủ quan đó là cách ứng phó với thiên tai hiệu quả nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!