Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương kết thúc vào gần 20h ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra một loạt nhiệm vụ mà các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải thực hiện trong thời gian tới để tháo gỡ các nút thắt cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, việc đầu tiên là phải cải cách hành chính mạnh mẽ, đi cùng với việc tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn của cả khu vực công và khu vực tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nút thắt lớn nhất của tăng trưởng vẫn là thủ tục hành chính, vì thế phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Việc này phải chuyển động từ Trung ương đến cấp tổng cục, vụ, sở và huyện, xã theo hướng phục vụ người dân tốt hơn, giải quyết nhanh mọi thủ tục để giải phóng sức sản xuất, thực hiện quyền làm chủ của người dân.
Vì cải cách hành chính nói đã nhiều nhưng thực hành còn kém. Cải cách hành chính phải nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, cụ thể, sát thực tiễn, không ngồi chờ báo cáo. Bên cạnh đó phải phân cấp mạnh mẽ hơn, giao quyền cho cấp dưới, nhất là các dự án đầu tư, các bộ không ôm giữ việc không cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảnh báo các tỉnh, thành về việc các trung tâm hành chính một cửa nếu không làm tốt thì dễ trở thành trung tâm văn thư. Một tình trạng khác cũng được Thủ tướng chỉ ra một cách gay gắt, đó là tình trạng tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là bệnh phô trương hình thức vẫn diễn ra ở một số bộ, đặc biệt là ở một số địa phương, cùng với tình trạng cục bộ, bản vị địa phương, gia đình đang làm ảnh hưởng đến cả hệ thống chính quyền. Nếu lãnh đạo các bộ và địa phương không gương mẫu, rốt ráo và quyết liệt hơn nhằm loại bỏ tình trạng này, thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không đặt vấn đề tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng số lượng đi liền với chất lượng. Vì thế phải tìm ra dư địa tăng trưởng trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng để đạt mức tăng trưởng 6,7% cho cả năm, từ nay đến cuối năm phải đạt mức trên 7,4%, đây là con số rất cao, rất khó khăn, thách thức. Vì thế, không thể chủ quan, nếu lơ là trong chỉ đạo thì sẽ giảm tăng trưởng ngay. Thủ tướng đưa ra ví dụ, Việt Nam đã thí điểm cấp visa điện tử, để thu hút khách du lịch, nhưng đến nay chưa có đại sứ quán nào công khai thông tin này trên trang web của mình.
Ở nút thắt về tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải dành vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng vay, đi cùng với việc ngăn ngừa sự thao túng, doanh nghiệp sân sau trong hoạt động tín dụng. Đặc biệt là phải giảm lãi suất cho vay, ít nhất là 0,5% để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh việc xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là theo mô hình đối tác công - tư, phải nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản khu vực Nhà nước. Theo kiểm kê bước đầu thì giá trị tài sản khu vực Nhà nước khoảng hơn 300 tỷ USD, trong đó tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước là trên 200 tỷ USD. Nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng thì có thêm khoảng 3 tỷ USD tương đương 1,5% tăng trưởng GDP.
Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành chức năng, các trường đại học, viện nghiên cứu phải đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực tư nhân vốn đang rất thấp. Hiện cả nước có 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1/3 nộp thuế thu nhập, tức là có lãi, hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4% trong khi đó tỉ lệ này ở khu vực đầu tư nước ngoài là 5,9%. Cũng theo kiểm kê bước đầu, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp tư nhân khoảng 400 tỷ USD, trong đó tài sản cố định trên 180 tỷ USD. Nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng số vốn này thì nền kinh tế sẽ có thêm 2 tỷ USD, tương đương 1% tăng trưởng GDP.
Cũng tại phiên họp này, tán thành với đánh giá của nhiều địa phương về kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia vừa qua đã thành công, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các địa phương cần quan tâm tới việc tuyển sinh, nhất là vào các trường cao đẳng và dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo dục cũng phải hết sức chú ý tới việc đổi mới sách giáo khoa phổ thông, nhằm không để việc này trở thành một quả bom nổ chậm trong xã hội. Tiếp thu kiến nghị của nhiều địa phương, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì họp với các tỉnh, thành để xử lý dứt điểm việc phân cấp cho các địa phương được giữ lại tiền xử phạt vi phạm giao thông để trang bị và xử lý các vấn đề phát sinh ở địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!