Thế giới phản đối chiến tranh Libya

Minh Nguyệt-Vân Anh-Thứ hai, ngày 21/03/2011 15:00 GMT+7

Chiến dịch “Bình minh Odise” của Liên quân quốc tế nhằm vào Libya bước sang ngày thứ hai. Trong khi đó, phong trào phản đối chiến tranh Libya đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới.

Chiến đấu cơ Mirage 2000 của Pháp trên đường đi không kích Libya. Ảnh: AFP

Rạng sáng nay, chiến dịch mang tên “Bình minh Odise” của Liên quân quốc tế chống lại Libya đã bước vào đợt không kích thứ hai. Trong khi đó, Lầu năm góc tuyên bố, chiến dịch này đã thành công bước đầu, tuy nhiên còn quá sớm để nói đến việc kết thúc chiến dịch bình minh Odise.

Trong đợt không kích thứ hai vào rạng sáng nay, Liên quân quốc tế tiếp tục dội bom từ trên không và bắn tên lửa hành trình từ trên biển, tấn công các mục tiêu chủ yếu là hệ thống phòng không của Libya.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, tàu ngầm hạt nhân của quân đội Anh bắn tên lửa Tomahawk trong đợt không kích thứ hai này. Còn Italy thông báo, máy bay chiến đấu của họ cũng tham gia chiến dịch sau khi tàu chiến Mỹ và Anh bắn tên lửa Tomahawk trong cả 2 đợt không kích.

Còn trong tuyên bố đầu tiên của mình về cuộc tấn công Libya, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho hay, Mỹ sẽ tham gia một cách có giới hạn trong chiến dịch bình minh Odise, chứ không giữ vai trò dẫn đầu như một số cuộc chiến trước.

Trong đánh giá đầu tiên về kết quả chiến dịch bình minh Odise, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, chiến dịch này đã thành công bước đầu, nhưng quá sớm để xác định thời gian kết thúc.

William E.Gortney, Phó đô đốc Gortney: "Chúng tôi đánh giá các vụ công kích đã có hiệu quả và vô hiệu hóa một phần tiềm lực phòng không của Libya bao gồm cả khả năng bắn tên lửa phòng không SA-3s và SA-2s của nước này".

Phó đô đốc Mỹ Gortney cũng cho biết, Tổng thống Libya Kadafi không phải là mục tiêu tấn công, nhưng ông không thể đảm bảo sự an toàn của Tổng thống Libya.

Chính phủ Libya hôm qua thông báo, một quả tên lửa đã phá hủy hoàn toàn tòa nhà hành chính của Tổng thống Libya Gaddafi ở thủ đô Tripoli. Tòa nhà này nằm cách nơi ông Gaddafi thường tiếp khách chỉ 50 mét đã bị san phẳng mặc dù không có đám cháy hay khói đen bốc lên sau vụ tấn công.

Một quan chức y tế Libya cho biết, 64 người đã thiệt mạng trong các đợt tấn công của Liên quân quốc tế.

Quân đội Libya tuyên bố lệnh ngừng bắn mới

Một phát ngôn viên quân đội Libya ngày hôm qua tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị ngay lập tức thực hiện một lệnh ngừng bắn mới, giữa lúc Liên quân quốc tế bắt đầu đợt oanh kích thứ hai nhằm vào Libya.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn trên nêu rõ: "Lực lượng vũ trang Libya đã ra lệnh cho tất cả các đơn bị quân đội đảm bảo một lệnh ngừng bắn ngay lập tức từ 21 giờ (19 giờ GMT) đêm ngày chủ nhật".

Theo người phát ngôn này, quân đội Libya quyết định tuyên bố lệnh ngừng bắn mới sau khi Liên minh châu Phi kêu gọi lập tức đình chiến.

Trước đó hôm 18/3, chính phủ của Tổng thống Kaddafi cũng đã tuyên bố ngừng bắn sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết cho phép áp dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả một vùng cấm bay tại Libya.

Tuy nhiên, ngay lập tức, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận lệnh ngừng bắn được các lực lượng của Tổng thống Libya Gaddafi đưa ra.

Thế giới phản đối Liên quân

Trong lúc này, phòng trào phản đối chiến tranh chống Libya đang lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới. Những người biểu tình kêu gọi liên quân chấm dứt ngay các cuộc không kích nhằm vào Libya.

Tại thủ đô Athens (Hy Lạp), những người ủng hộ Đảng Cộng sản Hy Lạp đã tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở của Liên minh châu Âu và Đại sứ quán Mỹ phản đối cuộc tấn công chống Libya.

Tasia Kontoyanni, Người biểu tình Hy Lạp: "Cuộc biểu tình hôm nay là câu trả lời đầu tiên với chiến dịch của những đế quốc và cuộc tấn công vào Libya. Người dân Libya có quyền quyết định các công việc nội bộ của đất nước họ, chứ không cần phải có các chiến dịch từ bên ngoài, nhất là các chiến dịch quân sự”.

Những người biểu tình cũng kêu gọi Chính phủ Hy Lạp không cho phép sử dụng các căn cứ quân sự cho các chiến dịch chống Libya và nói rằng, Hy Lạp cần không được tham gia vào bất cứ hành nào chống Libya, cũng như các hành động quân sự.

Hiện, chính phủ Hy Lạp đang tỏ ý muốn đưa các căn sứ không quân và hải quân ở Crete tham gia trong chiến dịch quân sự ở Libya.

Trong khi đó, tại thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, Tổng thống Mỹ Obama đang ở thăm nước này cũng đã vấp phải làn sóng biểu tình phản đối cuộc chiến nhằm vào Libya. Hơn 1.000 người đã tiến hành biểu tình tới thị trấn Theatro, nơi ông Obama có bài phát biểu.

Giáo hoàng Benedict 16 hôm qua cũng đã ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự hãy xét tới sự an toàn của các công dân Libya và đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ cứu trợ nhân đạo.

Trong khi đó, tại thủ đô Tripoli của Libya, khoảng 1.000 người ủng hộ Tổng thống Gaddafi đã tập trung tại Quảng trường Xanh để phản đối cuộc không kích của Liên quân.

Người dân Libi: “Những gì đang xảy ra không khuất phục được chúng tôi bởi vì chúng tôi đủ mạnh và chúng tôi tự hào về nhà lãnh đạo của mình”. “Tất cả người dân Libya đã sẵn sàng hy sinh. Pháp hay Anh sẽ không thể lật đổ được Gaddafi bởi vì Gaddafi ở trong mọi nhà của Libya”.

Theo con số chính thức được chính phủ Libya đưa ra, số người chết trong vụ tấn công vào Libya đã tăng từ 48 lên 64 người.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước