Thiếu hụt ngiêm trọng nguồn nước ở ĐBSCL

Mỹ Duyên-Thứ năm, ngày 21/03/2013 14:10 GMT+7

Sông ở ĐBSCL đang khô cạn từng ngày. (Ảnh: Dân Trí)

 Bên cạnh những thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất do lũ lụt gây ra, việc thiếu hụt nguồn nước ngọt ở ĐBSCL cũng đã và đang trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Công, là vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu của cả nước, chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 70% sản lượng cây ăn trái. Chính vì vậy, việc quản lý khai thác nguồn nước vùng ĐBSCL phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh những thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất do lũ lụt gây ra, việc thiếu hụt nguồn nước ngọt vào mùa khô của cả vùng cũng đã và đang trở nên đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến những diện tích nông nghiệp của các địa phương. Bài toán quản lý nguồn nước đang đặt ra hết sức cấp thiết đối với các địa phương trong vùng.

Những tháng đầu năm 2013, hàng ngàn ha lúa ở ĐBSCL đã bị chết khô do thiếu nước tưới. Đây cũng là năm mà mặn đến sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của tình trạng này là do năm 2012 lũ nhỏ, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít dẫn đến mực nước ở các sông, rạch xuống thấp… Cộng với thời tiết nắng gay gắt nên nước mặn xuất hiện sớm và lấn sâu vào nội đồng.

Hiện tại, bình quân lưu lượng nước sông Mê Công chảy về ĐBSCL đã giảm từ 20% đến 30%. Các nhà khoa học cũng đưa ra dự báo, trong giai đoạn tiếp theo khi các nước trong lưu vực sông Mê Công đẩy mạnh phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng lúa nước ước tính lưu lượng chảy về ĐBSCL chỉ còn khoảng 1000 m3/s, nguy cơ hạn hán sẽ rất nghiêm trọng.

PGS.Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Nếu nước ở thượng nguồn sông Mê Công lớn, nhiều khu vực ở ĐBSCL sẽ bị lũ lụt lớn, còn nước ít sẽ bị hạn mặn cao. Tôi nghĩ, các nước trong lưu vực sông Mê Công cần phải ngồi lại có sự tính toán hợp lý hơn”.

Với lý do trên, cũng đã giải thích vì sao câu chuyện thiếu, thừa nước luôn là vấn đề nan giải của các nước vùng hạ lưu sông Mê Công trong những năm gần đây. Chính vì thế, xác định tiếng nói chung, sự hợp tác thực sự giữa các quốc gia để quản lý nguồn nước hiệu quả đang trở nên rất cấp bách.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước