Sản xuất đình trệ, hàng trăm vạn gạch chưa nung do lò nung gạch kiểu đứng cũng phải dừng hoạt động. Chỉ riêng ở huyện Nam Sách, lò gạch liên tục kiểu đứng bị cấm hoạt động đã khiến hàng trăm lao động mất việc. Đa số người lao động tuổi đã cao, lại là lao động chính trong gia đình nên ai cũng cảm thấy bế tắc khi được hỏi về kế hoạch chuyển nghề.
Trong khi đó,chỉ cách Nam Sách có 1 con mương là huyện Kinh Môn. Các lò gạch liên tục kiểu đứng ở đây vẫn đang hoạt động. Lo xã đến cưỡng chế nên một số cơ sở chỉ dám hoạt động cầm chừng. Nếu bị cưỡng chế, vỡ nợ cũng là điều cầm chắc trong tay.
Trước bất hợp lý là trong cùng một tỉnh, nơi thì cấm, nơi thì lại để cho hoạt động cầm chừng, đã có hàng trăm lá đơn kiến nghị được gửi đến các cơ quan chức năng.
Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng Hải Dương cho biết, nguyên nhân chính là do sự thiếu nhất quán trong các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.
Bất hợp lý ở chỗ Hải Dương vẫn còn tới gần 40 lò úp vung hàng ngày nhả khói. Đây là loại lò nung truyền thống, gây ô nhiễm môi trường đáng lẽ đã phải dừng hoạt động cách đây 3 năm.
Vì sao lò liên tục kiểu đứng vẫn còn thời hạn hoạt động lại bị cấm? Nếu UBND tỉnh Hải Dương quyết định cấm thì phương án hỗ trợ các doanh nghiệp trả nợ vốn vay và chuyển đổi nghề cho hàng nghìn lao động thế nào? Đây là những vấn đề rất cần được lý giải rõ ràng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TVOnline!