Thịt bò Kobe được bày riêng trước khi cho vào phở. Ảnh: baodatviet
Từ năm ngoái tại Hà Nội đã xôn xao chuyện Việt Nam có cửa hàng bán phở bò Kobe. Giá một bát phở Kobe như vậy là 850.000 đồng, cao gấp 40 lần so với một bát phở bình thường. Tại các nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội và TP.HCM, phần lớn đều thừa nhận có bán các món ăn từ thịt bò Kobe. Sẽ không có gì đáng nói nếu như mới đây, những người làm chương trình không nhận được ý kiến của Cục Thú y cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam chưa cho phép kiểm dịch bất cứ một lô hàng thịt bò nào từ Nhật Bản, kể cả đường biển và hàng không. Do đó, sự tồn tại của thị trường thịt bò Kobe tại Việt Nam trong thời gian qua là một câu hỏi về nguồn gốc.
Cục trưởng Cục Thú y Lê Văn Năm cho biết, giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y và hiện Việt Nam cũng chưa có doanh nghiệp nào đề xuất với Cục Thú y được nhập thịt bò từ Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chưa cho phép nhập thịt bò từ Nhật.
Tuy nhiên, theo trao đổi giữa ông Năm và Đại diện Cục Thú y Nhật Bản, Việt Nam đang là nước nhập thịt bò lớn thứ 2 của Nhật. Những chứng thư giả chính là cơ sở để Nhật Bản xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam.
Ông Năm cũng cho biết thêm, "Thời gian qua, Cục Thú y Nhật Bản có cung cấp cho chúng tôi một số chứng thư của phía Việt Nam gửi cho họ trên danh nghĩa các cơ quan công quyền của Việt Nam và vì phía Việt Nam cung cấp giấy tờ này nên họ mới xuất được. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ các văn bản này từ đâu, ai cấp?".
Trên thị trường hiện không khó để tìm mua thịt bò Nhật Bản. Có khá nhiều đầu mối bán thịt bò Nhật Bản tự giới thiệu trên mạng. Phần lớn các đầu mối này đều hạn chế bày hàng hóa ở cửa hàng, mà chủ yếu bán qua điện thoại.
Theo ông Năm, vì cửa nhập chính ngạch chưa mở nên thịt bò Kobe Nhật Bản trên thị trường hiện nay sẽ tồn tại dưới hai dạng. "Người ta bỏ ra 700.000-800.000 cho một bát phở nhưng không phải là bò Kobe, đó là gian lận thương mại. Còn nếu do việc tạm nhập tái xuất thẩm lậu vào Việt Nam và sản phẩm này đúng là bò Kobe, điều này lại vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất. Trách nhiệm này thuộc về Quản lý thị trường, Hải quan, Cục Thú y chỉ là phối hợp".
Hiện Quản lý thị trường Hà Nội đang vào cuộc nhằm nhận diện con đường mà thịt bò Nhật Bản vào Việt Nam và ngăn chặn thịt bò Kobe giả. Qua kiểm tra sơ bộ một số cửa hàng có kinh doanh bò Kobe, Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các cửa hàng này đều không xuất trình được giấy tờ xuất xứ của bò Kobe. Cục Thú y cho biết, để chấn chỉnh tình trạng này, Cục sẽ nhanh chóng ký thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y với Cục Thú y Nhật Bản, từ đó cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò Nhật theo đường chính ngạch.