Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự buổi lễ.
Kể từ chiều 5/12, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức đi vào hoạt động. Con đường này dài hơn 105 km, có quy mô lớn nhất với 6 làn xe và điều kiện kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế nên xe ô tô được phép chạy với vận tốc 120km/h, cao nhất trong cả nước hiện nay.
Đường cao tốc bắt đầu từ cầu Thanh Trì, Hà Nội, đi qua tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và điểm cuối là cảng Ðình Vũ, Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư cho con đường này lên đến trên 45.000 tỷ đồng, tương đương trên 2 tỷ USD, trong đó, vốn nhà nước chiếm chưa đến 30%, còn lại do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam vay của các ngân hàng trong và ngoài nước. Trong 7 năm xây dựng đã có tới 31 triệu m3 đất đá được đào đắp để nâng đền đường lên cao trung bình 4,5m.
Tuyến cao tốc sẽ giảm tải cho quốc lộ 5, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn 1 giờ, so với đi bằng quốc lộ 5 là 2,5 giờ. Sau khi tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long dài hơn 20km được hoàn thành, đi ô tô từ Hà Nội đến Quảng Ninh sẽ chỉ còn chưa đầy 1,5 giờ. Quan trọng hơn, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với các đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và tuyến cao tốc khác, tạo thành mạng lưới đường cao tốc, rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông và kết nối thông suốt, hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Thủ đô Hà Nội, cụm các sân bay, cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc, với các tỉnh vùng duyên hải phía Bắc, vùng trung du Tây Bắc và với cả nước.
Hiện, mức phí từ Hà Nội đến cảng Đình Vũ cho mỗi lượt xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 160.000 đồng, cao nhất là 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn và xe container.
Phát biểu tại lễ khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, con đường này là một thể hiện sinh động của việc huy động các nguồn lực thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn 47.000 hộ đồng bào trong vùng con đường đi qua đã chấp nhận tái định cư, bàn giao đất để xây dựng tuyến đường này, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương chăm lo, tạo điều kiện để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Từ thành công của dự án này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các dự án đường bộ khác theo cơ chế thị trường để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng là xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng để phục vụ tăng trưởng nhanh và bền vững. Vì dù đến nay, cả nước đã có 710km đường cao tốc, vượt hơn 100km so với mục tiêu đã đề ra, nhưng tới đây mục tiêu được trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, là sau 5 năm nữa Việt Nam sẽ có 2.000 km đường cao tốc.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh nhà đầu tư bán quyền khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để lấy vốn xây dựng các dự án khác, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành chắt chiu từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông bởi nếu có cơ chế huy động vốn toàn xã hội và mô hình đầu tư phù hợp, cả nước hoàn toàn có thể vượt mục xây dựng được trên 2.000km đường cao tốc vào năm 2020.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.