Thu hút FDI chậm lại: Có đáng lo?

Minh Hường-Thứ tư, ngày 25/07/2012 16:30 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, tốc độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VN đang có xu hướng chậm lại so với năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi vốn FDI đăng ký giảm khá mạnh thì vốn FDI giải ngân lại nhúc nhích tăng. Nên nhìn nhận hiện tượng này thế nào và liệu diễn biến đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng cuối năm có đáng lo ngại hay không?.

Có mặt ở Việt Nam từ năm 2010, công ty cơ khí KPF (Hàn Quốc) đã tiếp tục giải ngân 30 triệu USD để hoàn thiện nhà xưởng, máy móc trong 6 tháng đầu năm nay. Hiện tại, dù đang hoạt động khá thuận lợi nhưng nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn thấy một số vấn đề phiền phức trong hoạt động kinh doanh.

Ông Cho In Seub, Tổng giám đốc công ty KPF Vina cho rằng: “Thời gian làm các thủ tục hành chính ở Việt Nam lâu hơn khá nhiều so với ở Hàn Quốc. Một ví dụ là nhiều khi chúng tôi gửi tờ khai điện tử cho Hải quan làm thủ tục xuất hàng mà không được giải quyết ngay với các lí do như lỗi phần mềm, điều này gây phiền phức vì ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của chúng tôi”.
Ghi nhận của Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương cho thấy, nửa đầu năm nay, tình hình giải ngân vốn FDI vẫn tăng nhưng số dự án cấp mới lại chỉ có 5 dự án với tổng vốn đầu tư khiêm tốn là 16,7 triệu USD, bằng một phần mười so với mức trung bình trước đây. Đây được xem là một tín hiệu khó khăn.
Theo ông Phạm Minh Phương, Phó ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương: “Các chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư tương đối tốt nhưng chúng tôi đánh giá đây không phải tín hiệu hoàn toàn tốt, đó là kết quả của việc cấp giấy phép đầu tư những năm trước đây. Còn thời gian vừa qua lượng vốn cấp mới rất ít”.
Cũng cùng xu hướng này, lượng vốn FDI đăng ký và cấp mới 6 tháng đầu năm nay giảm đến 27%, trong khi vốn giải ngân vẫn đạt mức như năm ngoái.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu FDI, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Tại sao từ 2009, vốn đăng ký mới suy giảm? Theo quan điểm của chúng tôi là do tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam giảm xuống, những doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam đang thực sự gặp khó khăn, thông tin này sẽ lan truyền nhanh ra bên ngoài, chính vì lẽ đó các nhà đầu tư mới chần chừ cân nhắc có nên đầu tư vào Việt Nam hay không”.
Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển mới đây dự báo, trong tình hình kinh tế khó khăn chung, dòng đầu tư FDI toàn cầu vẫn tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Như vậy, áp lực cạnh tranh hút vốn càng lớn hơn cho Việt Nam trong 6 tháng cuối năm khi các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay mới đây là Myanmar đang chạy đua rất quyết liệt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước