Đây là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm mục đích triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tăng cường quan hệ gắn bó với Ấn Độ - đối tác truyền thống quan trọng của Việt Nam tại khu vực.
Ấn Độ hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi đang phát triển năng động với những thành tựu xuất sắc về khoa học, công nghệ, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawwaharlan Neru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Cách đây 41 năm, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2007, hai nước đã ký Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Ấn Độ là đất nước có nhiều đảng phái nhưng đều có cảm tình và coi trọng quan hệ với Đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay Đảng ta có quan hệ truyền thống tốt đẹp với 4 chính đảng lớn ở Ấn Độ là Đảng quốc đại cầm quyền, Đảng Nhân dân Ấn Độ đối lập, Đảng cộng sản Ấn Độ CPI, và Đảng cộng sản Ấn Độ Mácxít.
‘ Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VOV
Thay mặt Chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Ấn Độ, đánh giá cao những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ cũng như vị thế và vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới; ấn tượng sâu sắc về tình cảm thân thiết mà những người bạn Ấn Độ thủy chung đã dành cho nhân dân Việt Nam từ trước tới nay.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ. Trong những năm qua, quan hệ hai nước, nhất là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển hiệu quả và thực chất, thông qua việc mở rộng nội hàm với các trụ cột chính là chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay quan hệ kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước vẫn tiếp tục tăng trưởng, năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trên 40%, đạt gần 4 tỷ USD. Hai bên nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và theo hướng giảm nhập siêu từ Việt Nam. Với vốn đầu tư hơn 250 triệu USD của 73 dự án, Ấn Độ đứng thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, văn hóa đều được hai nước thúc đẩy tăng cường với nhiều dự án cụ thể đem lại hiệu quả thiết thực.
Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định, coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hướng Đông. Do có nhiều điểm tương đồng và lợi ích chung, nên trong nhiều năm qua, Việt Nam và Ấn Độ thường xuyên hợp tác, ủng hộ lẫn nhau và chia sẻ quan điểm nhiều vấn đề tại các diễn đàn khu vực và đa phương.
Tối nay theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh sẽ tiến hành hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác.