Tối qua, mùng 8 tháng 6, tại Thành phố Nha Trang, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Mitting Quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới, mùng 8 tháng 6; và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 với Chủ đề “Trí tuệ Việt Nam, Tuổi trẻ Việt Nam cho sự phát triển bền vững biển, đảo Tổ quốc”; diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 8 tháng 6 năm 2011. Đến dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Biển và hải đảo có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới; ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới; đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài, hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn, trong nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển mang lại đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết Trung ương 4, khóa 10 đã thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó phấn đấu đưa kinh tế biển chiếm 48% GDP hiện nay lên mức 53 đến 55% GDP. Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về bảo vệ biển, đảo; về khai thác tài nguyên và môi trường biển; về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; về ô nhiễm môi trường biển.
Đánh giá cao việc tổ chức sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập yêu cầu phải tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Từ bao đời nay, tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, cha ông ta đã đổ biết bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Nêu cao chính nghĩa, lẽ phải, phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển. Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và năng lực để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích trên biển của chúng ta. Trong khi kiên trì phấn đấu tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông - DOC ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử - COC, để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên thế giới. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ và giữ vững hoà bình, ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế; không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta với các nước có liên quan.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật về lĩnh vực biển, đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người Việt Nam.