Đây là một tổ chức đại diện cho 40.000 văn nghệ sỹ và 74 tổ chức thành viên trong cả nước.
Tại đây, Thủ tướng đã khẳng định quan điểm ủng hộ Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Tại buổi làm việc đầu tiên với Thủ tướng Chính phủ sau rất nhiều năm, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đưa ra 9 kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó kiến nghị đầu tiên là dự thảo Luật về hội cần quy định Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, chứ không thể chỉ là hội xã hội, nghề nghiệp đơn thuần. Vì văn học, nghệ thuật được Bác Hồ coi là một binh chủng, hơn nữa làm văn học, nghệ thuật chính là làm chính trị, vì giúp xây dựng tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam. Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng coi các hội văn học nghệ thuật là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Hoan nghênh việc Thủ tướng hồi cuối năm ngoái đã chỉ đạo xem xét lại việc giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, Liên hiệp hội đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định này cho phù hợp với thực tiễn. Một vấn đề lớn nhất được Liên hiệp hội văn học, nghệ thuật kiến nghị với Thủ tướng đó là kinh phí hoạt động thường xuyên cho giới văn học nghệ thuật hàng năm, chứ không nên bắt văn nghệ sỹ phải đi xin kinh phí. Một vấn đề khác nữa là các địa phương không được cử những người chỉ biết làm vài bài thơ sang làm Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật. Đồng ý về chủ trương hầu hết các kiến nghị của Liên hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và chăm lo sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, chính vì thế tại cuộc làm việc này, Thủ tướng đồng ý về chủ trương sẽ cấp kinh phí hàng năm khoảng 90 tỷ đồng cho Liên hiệp hội, đồng thời giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các bộ liên quan để xử lý vấn đề này đúng pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý sẽ có chính sách hỗ trợ cho các văn nghệ sỹ tiêu biểu gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giao thành phố Hà Nội bố trí đất đủ để xây dựng từ 200-300 căn hộ cho các văn nghệ sỹ gặp khó khăn về nhà ở. Chính phủ sẽ hỗ trợ vốn để làm hạ tầng cùng với nguồn xã hội hóa để triển khai dự án. Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ được phân công sang làm việc tại các hội văn học nghệ thuật, đồng thời đề nghị Liên hiệp hội sớm thống nhất phương án về xây dựng lại trụ sở ở 51 Trần Hưng Đạo vì hiện nay Chính phủ đã bố trí ngân sách cho dự án này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Thủ tướng Chính phủ luôn muốn lắng nghe ý kiến của các văn nghệ sỹ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, mà hình thức có thể thông qua Liên hiệp hội hoặc gửi ý kiến trực tiếp cho Thủ tướng. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị giới văn nghệ sỹ cả nước cần có những tác phẩm xứng tầm để chiếm lĩnh trận địa tư tưởng. Văn học nghệ thuật không chạy theo thị trường và Việt Nam không phải là một xã hội thị trường nhưng, các văn nghệ sỹ cũng phải nghiên cứu nhu cầu của thị trường để phát triển đúng hướng nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lối sống và nhân cách cho con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các hội ở địa phương cũng cần tạo môi trường để phát huy các tài năng về văn học nghệ thuật, để những thế lực xấu không thể nói xã hội và chế độ ta ràng buộc sự phát triển của các tài năng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!