Tầm nhìn này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với lãnh đạo và các nhà đầu tư vào tỉnh Cao Bằng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Sự kiện diễn ra sáng nay (25/11).
Thủ tướng tin tưởng với những hướng đi mới này, Cao Bằng nếu không phát triển cao hơn thì cũng phải bằng các tỉnh, thành khác.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Cao Bằng - một trong số ít tỉnh Tây Bắc - tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại câu thành ngữ: "Giúp nhau lúc khó mới quý" để cảm ơn nhiều nhà đầu tư, nhiều Bộ trưởng và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội đã vượt đường xa lên với vùng đất này để động viên, tạo cảm hứng phát triển cho Cao Bằng bởi ai đã hiểu Cao Bằng đều rất cảm động với lòng hiếu khách, tính hào sảng, chân tình của người Cao Bằng. Lòng hào hiệp, chân tình này làm rất nhiều người yêu Cao Bằng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Trước các nhà đầu tư trong cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kể tên hàng chục sản vật của Cao Bằng, đồng thời nhấn mạnh cùng với 215 di tích được xếp hạng, Cao Bằng còn là 1 trong 2 tỉnh ở Việt Nam có công viên địa chất toàn cầu. Trong khi đó, thác Bản Giốc là một trong những thác nước vùng biên giới đẹp nhất hành tinh. Đây chính là những điều kiện để Cao Bằng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao mức sống của người dân các dân tộc ít người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyên các nhà đầu tư và du khách đọc cuốn Bốn mùa sản vật của Cao Bằng bởi trong đó có tất cả những món ngon, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Với những tiềm năng này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Cao Bằng phải phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam. Tuy nhiên, muốn vậy, Cao Bằng phải trả lời các câu hỏi của Thủ tướng: Làm sao để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn và tiêu tiền nhiều hơn?, Làm sao để du khách hiểu được câu chuyện về thác Bản Giốc, về Núi Các Mác, suối Lê Nin, về rừng Trần Hưng Đạo và nhiều điều thú vị khác về Cao Bằng?, Làm sao để du khách quay trở lại Cao Bằng sớm nhất, đi mà không muốn về, thậm chí là muốn quay trở lại? Để trả lời các câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có con người Cao Bằng mới làm được điều đó.
Ở trụ cột thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cao Bằng cần phát triển nông nghiệp đặc sản với các sản phẩm phong phú đến kỳ lạ. Theo đó, Cao Bằng phải xây dựng những thương hiệu độc nhất vô nhị chỉ Cao Bằng mới có để khách không lên đây nhưng vẫn phải nhờ mua hộ. Còn đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Cao Bằng phải tính đến một hướng mới, đó là trồng rừng, chế biến đồ gỗ cao cấp cho thị trường Trung Quốc.
Trụ cột thứ ba là kinh tế cửa khẩu. Cao Bằng phải coi đây là hướng đi chiến lược, bởi Quảng Tây là thị trường rất lớn, trong đó thành phố Nam Ninh chỉ cách Cao Bằng 180km, bằng hơn một nửa quãng đường về Hà Nội. Thủ tướng khẳng định trong phát triển kinh tế cửa khẩu, Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Vì vậy, Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình.
Để Cao Bằng đi lên từ 3 trụ cột du lịch, nông - lâm nghiệp và kinh tế cửa khẩu, Thủ tướng đề nghị các bộ cần tham mưu cho Chính phủ chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào Cao Bằng, nhất là phát triển du lịch thác Bản Giốc và logistic.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!