Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tài chính diễn ra vào chiều nay (9/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành tài chính trong năm qua đã có đóng góp lớn vào việc vượt thu ngân sách, song đây là lần thứ 3 Thủ tướng tiếp tục thẳng thắn chỉ ra một loạt những vấn đề mà ngành này cần phải nêu gương khắc phục trong năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, vượt trên 100.000 tỷ đồng so với dự toán, cao hơn con số Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội hồi cuối tháng 10. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm thu ngân sách Trung ương vượt trên 4%. Thủ tướng nhấn mạnh, con số này nói lên sự nỗ lực vượt bậc cao độ và làm việc vất vả của toàn bộ hàng chục nghìn cán bộ công chức của ngành tài chính.
Thủ tướng cũng đánh giá cao tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm triển khai các nhiệm vụ nặng nề của năm nay, nhất là Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo bộ hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, các lãnh đạo bộ đã tới từng địa phương trọng điểm để đốc thu. Bởi nếu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt mức cao mà hụt thu ngân sách nhà nước thì tăng trưởng không có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng tuyên bố, giống như hai lần làm việc với Bộ Tài chính trước đây, lần này Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại bộ này cần khắc phục. Đầu tiên là công tác hoàn thiện thể chế pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, một số mặt còn chậm. Các chính sách không ổn định, hay sửa đổi gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như xây dựng dự thảo thuế tài sản mà chưa nghiên cứu kỹ, chưa có chiến lược truyền thông phù hợp nên đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ. Trong khi đó, việc đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh còn chậm, mới có 117 trên 390 điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Dư luận hiện cũng đang đặt câu hỏi liệu các chính sách của Bộ Tài chính chưa tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định, Bộ Tài chính đã làm được nhiều việc và có tiến bộ trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, Thủ tướng đề nghị các cục và cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính cần nhất quán quan điểm trong tham mưu các chính sách tài chính. Từ yêu cầu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính cần sớm có chính sách để cụ thể hóa Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách tài chính và chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích và thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển; không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh. Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải có chính sách tài chính để chống thất thoát thuế sử dụng mặt đất, mặt nước cũng như chính sách tài chính đối với đất đai nông lâm trường, để từ đó bịt được các lỗ hổng và chặt đứt lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau.
Một vấn đề khác cũng được Thủ tướng đặt ra đó là tinh thần, đạo đức và văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ công chức ngành tài chính còn hạn chế; còn có dư luận về tiêu cực, nhũng nhiễu chung chi, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ thuế và hải quan gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù theo điều tra dư luận mới đây, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả phí bôi trơn cho nhân viên hải quan đã giảm từ 56 xuống 53%. Nhưng đây vẫn là một con số rất lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện Chính phủ đang phát động phát triển kinh tế số, vì thế Bộ Tài chính cần tham mưu chính sách gì cho Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư phát triển mạng 5G, cho dịch vụ băng thông rộng, cho công nghệ Blockchain, cho dây truyền sản xuất tự động, cho robot, công nghệ sinh học nhằm tạo nên bước nhảy vọt cũng như đảm bảo đủ xung lực cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh mạnh, đây chính là dư địa rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Tài chính cần có giải pháp triệt để cho việc sử dụng tiết kiệm tài sản công, trong đó có sử dụng xe công và công sở, đồng thời cho biết ngay trong tối nay Thủ tướng sẽ ký ban hành nghị định về sử dụng xe công. Là một ngành đông các đơn vị và nhân viên, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính, nhất là ở các địa phương cần quán triệt nghiêm việc Tết này không đi chúc Tết tặng quà lãnh đạo các cấp, không sử dụng phương tiện và tài sản công vào các hoạt động cá nhân trong dịp Tết, lễ hội, mà dành thời gian đi thăm các gia đình chính sách, gia đình nghèo và bị ảnh hướng bởi thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!