Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: VOV)
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cần mở tầm nhìn để quyết liệt xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra, không vì khó khăn về ngân sách Nhà nước mà để giao thông vận tải tiếp tục là nút thắt của nền kinh tế. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trong sáng nay (16/3).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc so sánh giao thông là lĩnh vực quan trọng, là lĩnh vực nóng, là đầu tàu như giáo dục - đào tạo nhưng đây lại là lĩnh vực đang tồn tại nhiều nút thắt. Điển hình, lĩnh vực này đang bị thiếu vốn rất nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư từ năm 2016 - 2020 là gần 1 triệu tỷ đồng nhưng ngân sách nhà nước mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng.
Yêu cầu lớn là vậy song Thủ tướng đã chỉ ra một loạt bất cập của ngành giao thông vận tải hiện nay là thiếu vốn nhưng lại chưa giải ngân hết vốn của năm 2016. Việc chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức BOT còn nhiều vấn đề, đặc biệt là thể chế còn tồn tại nhiều vướng mắc, nhất là quy trình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang làm nản lòng các nhà đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là bên cạnh sự nhiệt tình của phần lớn cán bộ, công chức của ngành vẫn còn bộ phận chưa năng động, chưa bám việc, sáng tạo nên gây chậm trễ công việc, chưa gỡ được nút thắt về thể chế để tạo điều kiện thuận lợi và huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Trách nhiệm đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải thực hiện ngay đó là tìm mọi biện pháp để không vì khó khăn về vốn ngân sách nhà nước mà tiếp tục để giao thông vận tải là nút thắt. Bởi với nguồn vốn ít ỏi như hiện nay, Thủ tướng luôn bị giằng xé khi đưa ra các quyết định. Do vậy, phải dựa vào dân và xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, mọi cách để phát triển giao thông vận tải. Nhà nước chỉ có thể có vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế và điều kiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải chủ động đề xuất cơ chế, còn các Bộ khác phải sớm sửa hoặc bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản đối với hình thức đầu tư công - tư. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng đi đường gập ghềnh, lún sụt, một trận mưa mà công trình đã xuống cấp. Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện ngay chỉ đạo của Thủ tướng về thi công thí điểm 1km đường mẫu để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng các công trình đường bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng như người đứng đầu các đơn vị, trong đó phải chấm dứt việc không có ai phải chịu trách nhiệm để xe ô tô quá tải đi trên đường, tai nạn ở các đường ngang qua đường sắt hoặc để tình trạng lộng hành của những kẻ khai thác cát trái phép.
Cuối cùng, Thủ tướng giao các Bộ trong tháng sau phải hoàn thành việc sửa đổi 6 Nghị định liên quan đến giao thông vận tải và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, đồng thời nỗ lực để xây dựng tuyến đường bộ ven biển, phát triển giao thông thủy nội địa, đường giao thông nông thôn và trong nhiệm kỳ này phải xây dựng được trên 1.000km đường bộ cao tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!