Thực hiện sàng lọc tan máu bẩm sinh để thế hệ sau khỏe mạnh
Nước ta hiện có trên 20.000 người bị bệnh Thalassemia - tan máu bẩm sinh cần phải điều trị cả đời, mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Tỷ lệ người trong cộng đồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh rất lớn, nhưng ít được phát hiện nên đã sinh ra những đứa con mắc bệnh.
Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu TƯ,những bệnh nhân mới là trẻ em dưới 10 tuổi chiếm tới 29%/ tổng số 2.398 bệnh nhân đến khám năm 2018. Điều này là do số lượng người mang gen bệnh trong cộng đồng rất cao và thông tin bệnh vẫn chưa được đến tất cả người dân.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học và Truyền máu TƯ) cho biết:"Rất nhiều người trong chúng ta mang gen bệnh Thalassemia nhưng không biết. Nhiều người kết hôn, sinh con bình thường nên không bao giờ ngờ tới mình mang gen bệnh. Nhưng không phải ai cũng có xác xuất may mắn như trên. Kết quả là các cặp vợ chồng có gen bệnh sinh ra những đứa con mắc Thalassemia. Người mắc bệnh Thalassemia phải truyền máu cả đời, điều trị muộn, điều trị không đúng phác đồ sẽ gây ra rất nhiều biến chứng như: mũi bị tẹt, răng hô, ngực nhô, thấp bé, xạm da…Có nhiều người đã tử vong sớm vì căn bệnh này".
Hàng ngàn trẻ em được sàng lọc tan máu bẩm sinh tại quận Hoàn Kiếm
Vào giữa tháng 9 vừa qua, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết sẽ xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh cho 2.500 học sinh trên địa bàn quận. Được biết, nhiều năm nay, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm luôn làm tốt công tác tuyên truyền phòng bệnh tan máu bẩm sinh. Quận cũng đã triển khai thực hiện sàng lọc cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các phòng ban, đơn vị UBND quận, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn thuộc đối tượng tiền hôn nhân.
Vào năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp cùng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ thực hiện sàng lọc xét nghiệm máu cho 2.130 học sinh THPT, phát hiện nhiều trường hợp mang gen để tư vấn sức khỏe. Năm 2019 này, địa phương sẽ tiếp tục tư vấn, thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho khoảng 2.500 học sinh khối 8 trên địa bàn.
Cũng trong năm nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động - Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm triển khai tư vấn, khám và thực hiện các xét nghiệm máu cơ bản và chuyên sâu cho đoàn viên công đoàn và người dân trên địa bàn quận để phát hiện các vấn đề sức khỏe; đồng thời tư vấn và xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh.
Tan máu bẩm sinh là bệnh thiếu máu do tan máu, thuộc nhóm bệnh di truyền, bệnh biểu hiện suốt đời. Bệnh có ở cả hai giới với tỷ lệ ngang nhau. Tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ hiện đang tiếp nhận điều trị và quản lý trên 3.500 bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, những năm qua, nhiều địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng viện để xây dựng, triển khai, tuyên truyền hoạt động khám sức khỏe người dân, nâng cao nhận biết về bệnh tan máu bẩm sinh, giảm thiểu khả năng trẻ sinh ra bị bệnh do mang gen từ bố mẹ. Bệnh viện sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương để khám, tư vấn và thực hiện các xét nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!