Thuê bao di động phải nộp ảnh chân dung: Nhà mạng “đẩy khó” cho khách hàng

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 24/04/2018 11:03 GMT+7

VTV.vn - “Nhà mạng “đẩy khó” cho khách hàng” là nhan đề một bài viết đáng chú ý trên báo Lao động số ra sáng nay (24/4).

Các nhà mạng đã đồng loạt phát đi thông báo sẽ tiếp tục gia hạn thêm thời gian cho các thuê bao trả trước hoàn thiện thủ tục. Mới nghe qua ai cũng thấy, các nhà mạng đã tạo điều kiện hết sức cho "Thượng đế" của mình. Vậy vì sao mà trên trang nhất của báo Lao động lại có bài viết: "Nhà mạng "đẩy khó" cho khách hàng?".

Báo Lao động đúc kết lại về cách mà các doanh nghiệp viễn thông thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ nhằm ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác từ gốc. Các nhà mạng có 1 năm để hoàn tất thông tin của khách hành nhưng việc triển khai lại chậm chạp, để rồi khi gần đến thời hạn 24/4/2018, mới ráo riết thông báo cho các chủ thuê bao đến bổ sung thông tin, khiến nghẽn mạng, nghẽn luôn cả đại lý.

Hình ảnh người người, nhà nhà rồng rắn xếp hàng tại các đại lý để hoàn thiện thủ tục có thể vì một phần sức ép mà các nhà mạng đưa thông tin: "Nếu không bổ sung ảnh, sẽ bị khóa chiều gọi đi". Nhưng thực tế Nghị định 49 không có dòng nào quy định như vậy. Cung cách làm việc này đã khiến dư luận hiểu không đúng về tính cấp thiết của Nghị định trên, gây cho họ sự phiền nhiễu, tốn thời gian, công sức.

Theo thống kê từ Bộ TT-TT, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao và lên đến 95% trong con số đó là thuê bao di động trả trước. Đây quả là một con số khổng lồ và là một vùng đất thông tin khách hàng đầy màu mỡ. Việc khách hàng e ngại đăng kí hôm nay, ngày mai lại thấy một loạt sim rác gọi điện, nhắn tin mời chào từ mua bất động sản đến bỉm sữa cho con là nỗi lo xác đáng.

Trao đổi với báo Lao động, đại diện của 3 nhà mạng khẳng định việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông. Các nhà mạng cũng cam kết sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo tính bảo mật. Tuy có những điều khoản phạt nặng, truy cứu trách nhiệm rõ ràng từ cơ quan quản lý với nhà mạng, nhưng đại diện đoàn Luật sư Hải Dương cho rằng, vấn đề là làm thế nào xác định được đâu là nguồn lộ thông tin?

Bởi lẽ trong hợp đồng với khách hàng, không có điều khoản nào quy định cụ thể về việc bảo mật thông tin khách hàng và khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm nhà mạng sẽ ra sao? Bên cạnh nỗi lo bị lộ thông tin thì hẳn nhiều khách hàng đang có việc bận hay đi công tác nước ngoài chưa kịp ra đại lý hoàn thiện thủ tục đang canh cánh nỗi lo khác: Sau hôm nay, liệu họ có bị khóa thuê bao một chiều?

Trao đổi với báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Viễn Thông - bà Lê Thị Ngọc Mơ - khẳng định sẽ không có chuyện đó. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin khi đã nhận thông báo từ doanh nghiệp viễn thông theo quy trình. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa khi đã nhận được thông báo mà không chấp hành.

Việc 1 năm dồn toa 1 tháng và có đến 114 triệu thuê bao trả trước trên khắp cả nước thì việc tắc nghẽn tại các điểm giao dịch là hoàn toàn dễ hiểu. Hiện không chỉ khách hàng vội vã, mà các nhà mạng cũng khẩn trương không kém bởi theo báo Lao động, chính họ mới là người hiểu rõ hơn ai hết nhà mạng mới chính là nơi phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong thông tin của thuê bao, bổ sung ảnh chụp và tự cập nhật lại thông tin của thuê bao cho phù hợp như tinh thần mà Nghị định 49 đề ra.

Sau ngày 24/4, thiếu ảnh chân dung, thuê bao di động sẽ bị khóa Sau ngày 24/4, thiếu ảnh chân dung, thuê bao di động sẽ bị khóa

VTV.vn - Liên tục những ngày gần đây, nhiều thuê bao di động nhận được nhắn tin yêu cầu bổ sung ảnh chụp chân dung trước ngày 24/4.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước