Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Harkin trở lại Việt Nam

Duy Hòa-Thứ ba, ngày 06/07/2010 18:20 GMT+7

Ngày 6/7, Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Tom Harkin, Chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Hoa Kỳ, dẫn đầu phái đoàn Quốc hội Mỹ đã tới Đà Nẵng.

Thượng Nghị sĩ Tom Harkin (trái) kể lại câu chuyện ở Côn Đảo sáng 5/7. Ảnh: Tuoitre

Mục tiêu của chuyến thăm là thảo luận về các vấn đề song phương, đáng lưu ý nhất là các chương trình hỗ trợ phát triển, hỗ trợ nhân đạo của Mỹ ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam/dioxin.

Phái đoàn Quốc hội Mỹ tới VN lần này gồm: Thượng nghị sĩ Tiểu bang Oregon - Jeff Merkley, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Minnesota - Al Franken, Thượng nghị sĩ Tiểu bang Vermont - Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ Tiểu bang California - Lynn Woolsey.

Cách đây 40 năm, trong chiến tranh Việt Nam, đã có một phi công Mỹ từng cất và hạ cánh trên đường băng của sân bay Đà Nẵng. Đó không phải là một chi tiết bình thường, bởi hôm nay, ông đã trở lại đây trong vị thế của một chính khách nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho mối bang giao Việt - Mỹ. Đó là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ - Tom Harkin.

Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa miền Trung, chiếc chuyên cơ Bosser 40 của Không lực Hoa Kỳ hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Trên chiếc chuyên cơ này là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Iowa - Tom Harkin cùng 4 vị Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ Mỹ khác.

Ngay sau nghi thức tiếp đón giản dị nhưng chân thành tại chân cầu thang máy bay của phía chủ nhà Việt Nam, Thượng nghị sĩ Tom Harkin cùng các thành viên trong đoàn đã đi ngay đến vị trí hiện đang là điểm bị ô nhiễm bởi tồn lưu chất độc màu da cam (dioxin) nặng nề nhất nằm ở phía bắc sân bay.

Đây chính là khu vực mà trong suốt thời kỳ chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam, các máy bay phun thuốc diệt cỏ của quân đội Hoa Kỳ được tẩy rửa sau các phi vụ. Giờ đây, một số lượng lớn dioxin - chất độc không phân huỷ đã ngấm sâu vào trong lòng đất.

Trong chuyến thị sát này, tất cả đều được phía Mỹ yêu cầu mang bao nilon bảo vệ chân, ngăn ngừa tiếp xúc với mặt đất. Hơn ai hết, chính họ hiểu tác hại ghê gớm của chất độc này.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ - Tom Harkin: Tôi ở Đà Nẵng lần cuối cùng vào năm 1967. Giờ trở lại, tôi rất ngạc nhiên khi ngay từ trên máy bay nhìn xuống thấy nhiều công trình mới được xây dựng.

Điều quan trọng nhất mà tôi đến đây là để đánh giá mức độ dioxin và xem chúng tôi có thể làm gì để cùng với Chính phủ Việt Nam tẩy rửa nó cũng như tập trung vào khía cạnh con người -những nạn nhân da cam trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi chất độc, những người có vấn đề về sức khoẻ, con cái của họ…

Trên cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Tom Harkin có quan điểm hết sức tiến bộ về vấn đề chất độc da cam. Trước khi thực hiện chuyến đi thực tế này, ông đã được cung cấp những thông tin mới nhất về vấn đề chất độc da cam ở VN. Tuy phần nào đó bị chi phối bởi tâm thế của một chính khách để không đưa ra những chi tiết cụ thể, nhưng Thượng nghị sĩ Tom Harkin cũng đã không né tránh trách nhiệm và quan điểm của phía Mỹ trong chính sách giải quyết vấn đề này.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ - Tom Harkin: Chính sách của chúng tôi là phối hợp với Chính phủ Việt Nam và Quỹ Ford. Cách đây vài năm, chúng tôi đã bắt đầu chi một ít tiền. Chính tôi nằm trong Uỷ ban đứng ra gây quỹ… Tôi muốn biết chúng tôi phải làm gì để tăng tốc quá trình dọn dẹp, tẩy rửa dioxin một cách dứt điểm, không chỉ ở đây, bởi Đà Nẵng chỉ là 1 trong 3 địa điểm ở Việt Nam bị ô nhiễm dioxin.

Tôi muốn nói thêm một cách tóm tắt là, chúng tôi sẽ tập trung vào 2 điểm: Một là dọn dẹp và tẩy rửa dứt điểm các điểm bị ô nhiễm. Hai là trợ giúp hiệu quả cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin.

Trong buổi làm việc vào chiều cùng ngày với Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh, Thượng nghị sĩ Tom Harkin đã một lần nữa nhắc lại thông tin này.

Vậy là đã rõ. Trong khi chưa thể có một phán quyết của Tư pháp Mỹ về việc bồi thường cho nạn nhân Việt Nam. Thượng nghị sĩ Tom Harkin đã hé lộ quan điểm của giới lập pháp và hành pháp, đó là thể hiện trách nhiệm của Mỹ qua các khoản viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, các gói tài chính này vẫn còn quá ít ỏi, chỉ là vài triệu USD.

Mỗi lần đến với Việt Nam là mỗi lần Thượng nghị sĩ Tom Harkin để lại một dấu ấn đặc biệt. Cách đây 40 năm, chính ông, khi đó trong vị trí là nhân viên văn phòng Hạ nghị sĩ đã lôi ra ánh sáng "Vụ chuồng cọp Côn Đảo”; năm 1965, khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Thượng nghị sĩ Tom Harkin đã có mặt tại Hà Nội.

Trở lại Việt Nam lần này, rõ ràng là ông đang được kỳ vọng sẽ đem lại một điều gì đó có ý nghĩa cho nhân dân Việt Nam cũng như mối bang giao đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước