Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân nguyện của Quốc hội; Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng.
Báo cáo chung về vụ việc, được tổng hợp từ các Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày đã tóm tắt lại vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng; đưa ra các đánh giá về việc thực thi công tác quản lý Nhà nước về đất đai; quá trình giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế; quá trình chỉ đạo xử lý, công tác báo cáo và công tác thông tin về vụ việc của thành phố Hải Phòng; đưa ra các kiến nghị để xử lý cụ thể về vụ việc; xử lý về mặt hành chính và hình sự đối các tập thể và cá nhân liên quan; kiến nghị về công tác quản lý Nhà nước về đất đai nói chung, công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo liên quan đến đất đai nói riêng của các địa phương cũng như các Bộ ngành liên quan.
Theo Báo cáo và đánh giá chung tại cuộc họp, có thể thấy vụ việc hết sức đáng tiếc này có nguyên nhân khách quan từ sự phức tạp và bất cập của hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai hiện hành và chủ quan là xuất phát từ các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng có nhiều điểm không đúng quy định của pháp luật. Vì quyết định thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật. Nội dung quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng có nhiều sai phạm, như quyết định không rõ chỉ giới, phạm vi diện tích đất cưỡng chế, không tiến hành kiểm kê tài sản, thời điểm cưỡng chế không hợp lý; việc huy động lực lượng quân đội là không phù hợp; sự việc phá nhà coi đầm của ông Vươn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đối với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra, thành phố Hải Phòng đã có các bước xử lý sự việc, tuy nhiên đã chưa nhận thức tính chất phức tạp, bức xúc của vấn đề, không chủ động, chậm chễ trong xử lý; có biểu hiện né tránh, như không tổ chức tiếp xúc với dân, không cử người có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin chính thức cho công luận, một số cán bộ phát ngôn thiếu trách nhiệm, tùy tiện, không thống nhất, gây phản ứng tiêu cực trong dư luận.
Tại cuộc họp, ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một số cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đều bày tỏ thống nhất cao với các đánh giá, kiến nghị trong Báo cáo. Nhấn mạnh cần phải làm rõ mọi sai sót, sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự của tất cả các cá nhân, tập thể có liên quan, để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, cả về mặt hành chính và hình sự.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vụ việc cưỡng chế thu hồi đất nói trên xảy ra ở một xã nhưng đã trở thành một vấn đề mà cả nước hết sức quan tâm trong suốt 1 tháng qua. Khi vụ việc xảy ra, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Thành phố Hải Phòng đã lần lượt có 3 báo cáo, các bộ, ngành chức năng cũng đã trực tiếp xuống Hải Phòng nắm tình hình và có báo cáo đánh giá riêng. Thủ tướng cho biết, các cơ quan chức năng đã làm việc liên tục, trách nhiệm, nghiêm túc để sớm nhất hoàn thiện Báo cáo chung trình ra cuộc họp.
Trước khi có ý kiến kết luận cụ thể về vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước hết khẳng định một thực tế khách quan là chính sách, pháp luật về đất đai từ năm 1987 đến nay có rất nhiều thay đổi và thay đổi liên tục với 3 lần ban hành mới Luật Đất đai và 2 lần sửa đổi. Số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật lên đến 400 văn bản. Trên thực tế thực thi luật pháp, một số vấn đề chưa đủ rõ, chồng chéo, mâu thuẫn, cộng với năng lực cán bộ, trình độ quản lý Nhà nước về đất đai ở cơ sở yếu kém; sự biến động của đất đai, đã làm nảy sinh rất nhiều bất cập, nhiều vấn đề này sinh trong quản lý chưa có cách giải quyết, dẫn đến khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 70% vụ khiếu kiện hiện nay.
Thủ tướng cũng khẳng định, đây là một vụ việc đáng tiếc song không vì thế mà phủ nhận truyền thống cách mạng, những đóng góp, kết quả của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quản lý Nhà nước nói riêng về đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất xảy ra ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đã bộc lộ nhiều sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật hình sự.
Thủ tướng cho rằng sau khi vụ việc xảy ra, thành phố Hải Phòng đã có các bước chỉ đạo giải quyết cần thiết, nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận rõ và thẳng thắn trách nhiệm.
Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu ý kiến của dư luận, báo chí, trên tinh thần luật pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Thành phố Hải Phòng chỉ đạo thu hồi đúng pháp luật đối với các quết định không đúng pháp luật của huyện Tiên Lãng về việc thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi phạm về sử dụng đất của ông Vươn theo đúng pháp luật.
Làm thủ tục cho ông Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chỉ đạo cơ quan pháp luật, sớm đưa ra xét xử theo đúng pháp luật với việc phá nhà ông Vươn, đình chỉ các cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra. Các cơ quan pháp luật khẩn trương đưa vụ án giết người, chống người thi hành công vụ ra xét xử công khai, nghiêm minh, đúng pháp luật, kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
Chỉ đạo huyện Tiên Lãng, xã Quang Vinh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước các tập thể, cá nhân liên quan. Yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về việc chấp thuận quyết định cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của huyện Tiên Lãng, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm làm rõ đúng sai, cung cấp thông tin không kịp thời, không chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận.
Yêu cầu Lãnh đạo Hải Phòng kiểm điểm sâu sắc, đồng thời chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh công tác Quản lý Nhà nước về đất đai; cả về bộ máy và trình độ cán bộ, không để xảy ra các vụ việc tương tự. Lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt để sớm ổn định tình hình Tiên Lãng.
Trên bình diện cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc thực hiện thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất theo đúng pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định luật pháp về Đất đai. Tổng kết Nghị quyết Trung ương 7, khóa 9 và tổng kết Luật đất đai 2003 để sớm sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành cơ chế kiểm soát các quyết định hành chính của UBND hành chính các cấp.
Tin liên quan: