“Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm rất đáng lo ngại”

Ngọc Hà -Thứ tư, ngày 10/06/2009 15:19 GMT+7

Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đây là chuyên đề mang tính thời sự, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn tác động đến sự phát triển của nền kinh tế và danh dự quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.

Cho dù công tác quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số lĩnh vực đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang tồn tại nhiều bất cập như: Việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau, chồng chéo hoặc bỏ sót một số lĩnh vực, gây khó khăn cho quá trình áp dụng luật. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu.

Theo nhiều ĐBQH, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm hiện rất đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh đối với người tiêu dùng. Tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất bảo quản trong một số thực phẩm chưa được cải thiện. Tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát còn ở mức rất thấp.

Hiện diện tích vùng sản xuất rau an toàn mới chỉ chiếm diện tích quá nhỏ trong tổng diện tích trồng rau trong cả nước. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mới chỉ được chú trọng ở các sản phẩm xuất khẩu, mà bỏ qua thị trường nội địa. Mức đầu tư và nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn quá thiếu và mỏng. Theo nhiều đại biểu, đó là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lo ngại.

Dẫn chứng từ thực tế ở Đồng Nai, nơi có tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể đang ở mức báo động, bà Trương Thị Thu Hà (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) dẫn chứng, có tới 60 triệu người, tương đương 2/3 dân số cả nước nhiễm giun sán, mà nguyên nhân sâu xa có liên quan đến chất lượng thực phẩm.

Các đại biểu đặt câu hỏi, tại sao có tới 5 Bộ quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, với gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình gia tăng các vụ ngộ độc thức ăn trên toàn quốc? Có phải văn bản nhiều nhưng chưa sát thực tế, thiếu thống nhất, chồng chéo, chế tài có nhưng chưa đủ sức răn đe?

Trong phiên họp sáng nay, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy nhanh hơn nữa tốc độ soạn thảo Dự án Luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước