Cách đây vài ngày, Công an Hà Nội phải lên tiếng khẳng định việc thông tin "Người dân bị đánh thuốc mê ketamin" xuất hiện trên mạng xã hội là tin giả. Thông tin này đã gây hoang mang cho nhiều người và mục đích của kẻ tung tin là câu like, câu view cho trang Facebook cá nhân.
Những thông tin bịa đặt khác cũng đã được thêu dệt sau khi vụ án mạng đau lòng xảy ra tại huyện Đan Phượng, Hà Nội hôm 1/9 khiến 4 người thiệt mạng. Thế nhưng dù là giả và vô căn cứ, những tin này vẫn có hàng chục ngàn, thậm chí là trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Dù đối tượng tung tin giả có dụng ý xấu hoặc chỉ muốn thu hút sự chú ý của dư luận, những thông tin họ đưa ra vẫn làm "méo mó" nhận thức của một bộ phận trong xã hội. "Ma trận" thông tin thất thiệt đang tạo ra sự hỗn loạn và khiến cho người đọc trở nên hoang mang.
Ngày 19/8 vừa qua, vài tài khoản Facebook tung tin rằng, người lái xe trong vụ học sinh trường Gateway, Hà Nội đã chết bất thường. Chỉ trong vòng 1 ngày, có tới 10.000 lượt bình luận chia sẻ, 1,6 triệu lượt người xem thông tin chưa kiểm chứng này. Sự thật chỉ sáng tỏ sau khi Công an quận Cầu Giấy xuống xác minh và chụp ảnh người tài xế vẫn khỏe mạnh.
Hơn 1 tuần sau, 1 tài khoản khác trên Facebook lại đăng tin bịa đặt rằng có video chứng minh cháu bé đã mất xuống xe ô tô, kèm theo một bức ảnh nhìn có vẻ thuyết phục. Sau 1 ngày, có tới 140.000 lượt bình luận, chia sẻ; 45 triệu lượt người xem trên Facebook mà không biết rằng, đó là bức ảnh giả mạo. Kẻ xấu đã lấy hình của cháu bé nạn nhân, dùng phần mềm ghép vào ảnh một cháu khác. Mục đích là hướng lái dư luận tin rằng, cháu đã vào lớp học và việc khởi tố, bắt tạm giam bà Quy - người đưa đón học sinh là sai.
Không chỉ vậy, nhiều website, trang cá nhân trên Facebook còn mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc giả mạo này nếu sử dụng vào mục đích xấu có thể gây hiểu lầm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hướng tới lòng tin của người dân với luật pháp, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Gần 130 trang web thông tin hoạt động của lãnh đạo có tên miền quốc tế như; .org, .net, .com. Những trang này có giao diện khá giống nhau; ngoài cập nhật liên tục thông tin về hoạt động của các vị lãnh đạo, còn nhiều bài viết khác liên quan đến các vấn đề mà dư luận quan tâm. Bộ TT&TT khẳng định, tất cả các trang này đều là giả mạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!