Một trong những nguyên nhân khiến các bạn trẻ chưa mặn mà với dự án này là do họ chưa hiểu và chưa tiếp cận đầy đủ với quy định, chế độ mà Dự án đề ra. Chính vì vậy, sáng qua, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức giao lưu trực tuyến trả lời mọi thắc mắc của bạn đọc xung quanh dự án.
Hơn 1000 câu hỏi đã được gửi đến buổi giao lưu trực tuyến. Hậu dự án (tức sau 3-5 năm nữa) khi kết thúc nhiệm vụ của mình, trí thức trẻ sẽ làm gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án khẳng định: “Nếu sau khi kết thúc dự án, bạn trẻ đó muốn ở lại làm việc, địa phương sẽ bố trí công việc cho họ. Nếu đội viên muốn lên huyện thì huyện đó phải có trách nhiệm xét duyệt để đội viên đó trở thành công chức nhà nước. Nếu muốn chuyển sang địa phương khác, hay công việc khác, chúng tôi sẽ xác nhận để các bạn có được ưu tiên nào đó...”
Ba năm làm chuyên viên tư vấn của Trung tâm quy hoạch Bắc Giang, hàng trăm chuyến công tác dọc miền đất nước đã cho Trung cơ hội trải nghiệm với cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao. Chính bởi vậy, khi hay tin về dự án, anh đã làm hồ sơ đăng ký tham gia. Tuy nhiên, để đặt bút trước quyết định quan trọng, anh không khỏi lo lắng.
Anh Trần Sỹ Trung, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang): “Điều kiện sống khác với bà con dưới xuôi, phong tục tập quán cũng lạc hậu - mình cũng lo lắng không biết sẽ làm quen như thế nào”.
Chị Bùi Thị Hải, Kim Bôi (Hòa Bình): “Liệu sau khi kết thúc dự án mình sẽ thế nào. Bây giờ mình đã 29 tuổi, liệu có thể được coi là một công chức nhà nước không?”.
Trước khi đề án triển khai, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã từng kêu gọi, hỗ trợ trí thức trẻ về quê lập nghiệp, nhưng hiệu quả chưa nhiều. Phần do thiếu kinh phí, phần do môi trường làm việc không thuận lợi, nhiều cử nhân trẻ khó thích nghi, bỏ vị trí công tác chỉ sau thời gian ngắn. Bài học thực tiễn đó khiến các địa phương lo ngại rằng, việc một trí thức có trình độ đại học nhưng không có, hoặc còn non kinh nghiệm - liệu có thể đổi mới, nâng cao tư duy, nhận thức cho cán bộ tại địa phương.
Hơn 1000 thắc mắc của các bạn trẻ đã được giải đáp. Từ việc triển khai thí điểm tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kon Tum và Nghệ An, Dự án kỳ vọng sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ địa phương giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ. Để tri thức trẻ sẽ đóng góp sức lực, tài năng làm đổi thay những vùng đất còn muôn vàn gian khó.