Ngay trong đêm sạt lở, gia đình bà Đinh Thị Thảo (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã cố gắng hết sức để bảo vệ tài sản như: kéo cá, dùng lưới ngăn cá ra sông. Tuy nhiên, tất cả đều vô vọng khi hai ao cá điêu hồng giống đã theo con nước chảy ra sông Tiền. Việc vỡ đê bao cũng đã khiến hàng trăm ha nhãn đến kỳ thu hoạch tại địa phương bị nhấn chìm, có thể bị chết.
Triều cường lên được mấy ngày, tình trạng sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng. Tại xã An Bình đoạn ven sông Tiền, đã có tới 3 - 4 điểm đê bao bị vỡ, người dân đang phải gồng mình chống đỡ. Để đối phó với triều cường, người dân tập trung phương tiện, sức lực để tạm thời gia cố tuyến đê bao bằng cừ tràm, lưới B40 và bạt nhựa. Do đó, nguy cơ sạt lở ở khu vực này còn rất cao.
Tình trạng vỡ đê ngày càng gia tăng là do nền đất yếu, người dân đào ao thả cá, triều cường cao bất ngờ, đồng thời dòng nước chảy mạnh. Theo nhiều người dân, hậu quả này chủ yếu là do tình trạng khai thác cát quá mức trước đây. Ước tính, cù lao An Bình đã bị sạt lở từ 40 - 50m trong vòng 5 năm qua.
Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, triều cường còn gây thiệt hại lớn cho người dân ĐBSCL. Nhiều khu đê bao sản xuất nông nghiệp đã bị vỡ hoặc sạt lở nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!