Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội, hiện nay, cả nước có hơn 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng quỹ đạt hơn 8.000 tỷ đồng. Bảo hiểm thất nghiệp là nguồn hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp có nguồn lực để tồn tại và có khả năng tìm kiếm công việc mới, góp phần ổn định đời sống của người thất nghiệp và gia đình họ.
Tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp gia tăng ở mức bất thường mà nguyên nhân của nó là do một số lao động lợi dụng những khe hở của chính sách để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chẳng hạn như trường hợp của anh Phạm Bạch Thanh, phố Nối, Hưng Yên. Mặc dù đã tìm được việc làm sau khi thôi việc ở nhà máy cũ, anh Thanh vẫn đi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Với mức lương ở chỗ làm cũ là 4 triệu đ/tháng, nếu hồ sơ được thông qua, anh Thanh sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng với số tiền trên 14 triệu đồng… Như vậy, anh Thanh có thể vừa đi làm, vừa nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Lý do mà anh Thanh đưa ra rất đơn giản, anh đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp là vì anh đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên anh phải được hưởng?!? Điều đáng nói là anh Thanh không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều người như anh mặc dù đã có việc làm mới, có thu nhập khác hoặc nghỉ đẻ nhưng vẫn đi đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thống kê của đơn vị bảo hiểm, có đến hơn 90% các lá đơn đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp có câu "tự tìm việc làm". Bởi vấn đề mà người lao động quan tâm không phải là được đào tạo nghề để tìm việc mà là được nhận bao nhiêu tiền.
Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng không có biện pháp xác minh các trường hợp nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thực sự đang thất nghiệp hoặc không xin được việc hay không và khái niệm thất nghiệp cũng không rõ ràng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, phải có định nghĩa rõ ràng thế nào là người thất nghiệp: “Người thất nghiệp thế nào mới gọi là người thất nghiệp? Những người thuộc diện dôi dư nhà máy không sắp xếp được mới là người thất nghiệp, chứ còn hiện nay người nghỉ việc, kỷ luật cũng đi nhận bảo hiểm thất nghiệp là không phù hợp”.
Bà Loan đề nghị, cần phải “xác định lại thế nào là người thất nghiệp... chứ như hiện nay thì gây khó cho các công ty”.
Đến nay, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa có một thống kê cụ thể về số lượng và các dạng hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đại diện đơn vị, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng khẳng định “sẽ chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm rà soát vấn đề này”.
Dù Cục Việc làm khẳng định không có khả năng vỡ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhưng với các hành vi trục lợi như hiện nay thì bảo hiểm thất nghiệp vốn là chỗ dựa khi rủi ro của người lao động liệu có trở thành nơi để 1 số kẻ trục lợi kiếm chác? Nếu không kiểm soát được tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay số tiền thất thoát là rất lớn và gây thiệt thòi cho những người lao động bị rủi ro thực sự.
Những tháng đầu năm được cho là mùa nhảy việc của lao động phổ thông và cũng làm gia tăng số lượng người đi đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Lý do để nhảy việc ngoài lương thấp thì giờ đây có thêm một nguyên nhân nữa đó là nhảy việc để được “lĩnh” tiền bảo hiểm thất nghiệp...
Xem thêm nội dung trên trong video tại đây