Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng, với nhiều tuyến vận tải biển nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Khu vực biển nằm gần quần đảo Hoàng Sa cũng là tuyến đường vận tải dầu quan trọng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn là sự cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở Biển Đông. Vì đi theo giàn khoan HD-981 là 80 tàu các loại cùng máy bay, thiết lập một vùng cấm đi lại trong bán kính ba hải lý sẽ cản trở rất lớn đối với an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhận định: “Cái lợi ích chung của các nước đối với an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là tàu thuyền được tự do qua lại vô hại ở Biển Đông và không ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Tuy nhiên hoạt động của giàn khoan HD981 cũng như các tàu các loại như vậy chắc chắn sẽ cản trở sự qua lại của các tàu thương mại của các tàu nghiên cứu tàu vận tải qua khu vực này và nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ cho biết: “Tranh chấp mà không kiềm chế được, không có những giải pháp thích hợp thì rõ ràng trở thành những điểm nóng với những cuộc đụng độ và tàu bè hàng ngày đi qua đây từ Trung Đông, Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương đi lên các vùng kinh tế mà rất là sôi động ở Đông Bắc Á chắc chắn bị ảnh hưởng”.
Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội biển TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Từ vùng tiếp giáp lãnh hải trở ra gọi là công hải, mà công hải trong Luật biển quốc tế có hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đất thống trị biển, nguyên tắc thứ hai là đảm bảo tự do hàng hải, tự do trên biển. Vùng này nó nằm trong vùng tự do đi lại, cái vùng mà họ đặt giàn khoan. Đồng thời họ lại đưa một lực lượng lớn bảo vệ. Tất nhiên là Việt Nam không đồng ý cho họ đặt nên phải ra giải thích và nói họ dời đi, nhưng họ không dời mà họ va chạm, họ đâm tàu Việt Nam và dùng vòi rồng ép tàu Việt Nam. Đây là đụng độ ở mức thấp nhất. Nếu như họ làm căng và xảy ra xung đột vũ trang thì cả vùng biển đó cấm tự do đi lại…uy hiếp tự do đi lại trên biển của những nước khác”.
Hiện các nhà khoa học và nghiên cứu Luật quốc tế của Việt Nam và nước ngoài đều khẳng định, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Do vậy, vị trí của giàn khoan HD 981 hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, điểm mà Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 nằm cách rất xa đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Để nghe nhận định của các chuyên gia về vấn đề này, mời quý vị theo dõi Video sau đây: