Đa phần người dân ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và chế biến thủy sản. Sau sự cố môi trường biển, không chỉ hoạt động đánh bắt gặp khó mà nghề chế biển thủy hải sản như nước mắm, mắm tôm, mắm cá, ruốc cũng bị tác động nghiêm trọng. Lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do vừa khan hiếm nguồn nguyên liệu, vừa sản xuất ra cũng không tiêu thụ được.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch biển điêu đứng khi sự cố môi trường biển xảy ra đúng vào thời gian cao điểm mùa hè. Nhiều nơi, doanh thu sụt giảm hàng chục lần so với trước đây. Tuy nhiên, theo Công văn 6851 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển, đối tượng là chủ và người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản lại không được kê khai. Các trường hợp kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại, sẽ được hỗ trợ bồi thường miễn giảm thuế nếu có đăng ký kinh doanh. Điều kiện này lại không phù hợp với thực tế tại nhiều địa phương ven biển.
Thực tế trên đòi hỏi cần xem xét bổ sung các đối tượng được hỗ trợ. Theo đó, bổ sung hỗ trợ cho các chủ cơ sở chế biển thủy sản và lao động trong các cơ sở này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trong trường hợp không thể kê khai thuế; hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản ngừng sản xuất, hoặc thả nuôi nhưng không tiêu thụ được; hỗ trợ cho các tàu khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên, bởi giá bán hiện nay vẫn giảm gần 50% so với trước đây. Có như vậy mới đảm bảo công bằng, không bỏ sót những đối tượng chịu thiệt hại nhưng lại không được hỗ trợ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.