Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ về thành tựu giảm nghèo Việt Nam đã đạt được trong những năm qua
Trả lời chất vấn của các đại biểu Hà Sĩ Đồng, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa về nội dung của giảm nghèo đa chiều và các giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giúp tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. Trong 20 năm qua, Việt Nam có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Thủ tướng khẳng định: "Đây là một thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết việc xác định chuẩn nghèo đơn chiều chỉ dựa vào thu nhập như đang thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, chưa phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, việc xác định các đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo thiếu tính tổng thể, toàn diện. Để khắc phục tình trạng này, nhiều tổ chức quốc tế đã thống nhất khuyến cáo và đến nay đã có hơn 30 quốc gia nghiên cứu và áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Phương pháp này không chỉ sử dụng tiêu chí thu nhập mà còn sử dụng các tiêu chí về tiếp cận các nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu.
Chính phủ đã trình và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó giao cho Chính phủ chỉ đạo xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, trong đó quy định chuẩn nghèo bao gồm cả tiêu chí thu nhập và các tiêu chí về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Theo tính toán bước đầu, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, tỉ lệ hộ nghèo hiện nay là khoảng 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo là khoảng 6%. Dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15.000 tỉ đồng so với năm 2015.
Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016 gắn với triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn đặc biệt khó khăn; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho huyện nghèo, xã nghèo; tập trung triển khai có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.