Ngay cả phương Tây và những người từng là đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các cuộc chiến đều dành cho ông sự tôn trọng đặc biệt. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đã nói, ông luôn nghĩ về Tướng Giáp như một “đối thủ đáng trân trọng”. Còn Tiến sĩ John Prados, một trong những nhà sử học hàng đầu của Mỹ về chiến tranh Việt Nam thì khẳng định: “Tướng Giáp là người có ảnh hưởng đặc biệt tới việc định hình nên một trật tự thế giới như ngày hôm nay”.
Nhóm phóng viên THVN Thường trú tại Mỹ đã phỏng vấn Tiến sĩ, nhà sử học hàng đầu của Mỹ John Prados về chiến tranh Việt Nam - tác giả của gần 10 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam (chống Pháp và Mỹ). Ông đã cùng Mcnamara gặp Tướng Giáp tại Việt Nam.
‘ Tiến sĩ John Prados - một trong những nhà sử học hàng đầu của Mỹ nghiên cứu về Việt Nam - về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thưa Tiến sĩ John Prados, cảm giác của ông thế nào khi nghe tin Tướng Giáp mất?
Tiến sĩ, Nhà sử học MỹJohn Prados: Tôi rất buồn khi nghe tin Tướng Giáp mất. Tôi biết tin này sáng 5/10, khi mở máy tính kiểm tra thư điện tử thì những tin tức, những tiêu đề chính về việc Tướng Giáp qua đời đã tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo lớn.
Ông đã viết cả chục cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, cả chiến tranh chống Pháp như cuốn “Bầu trời có thể sụp đổ”, cuốn "Lịch sử về cuộc chiến không thể thắng lợi", hay cuốn về "Đường mòn Hồ Chí Minh". Vậy Tướng Giáp được mô tả như thế nào trong các cuốn sách đó?
Tiến sĩ, Nhà sử học MỹJohn Prados: Tướng Giáp có vai trò trong lịch sử của Việt Nam. Ông ấy là một nhân vật quan trọng trong tiến trình lịch sử của Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến tận ngày nay. Tôi đã viết sách về cả cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của người Việt Nam, về các khía cạnh của các cuộc chiến đó và trong gần như tất cả các cuốn sách như vậy thì Tướng Giáp đều ở vị trí trung tâm, là nhân vật chính.
‘ Một số cuốn sách về chiến tranh Việt Nam của ông Prados. Ảnh: VOV
Ông đã gặp Tướng Giáp khi sang Việt Nam cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. Vậy có sự khác biệt nào giữa một Tướng Giáp ông nghe trước đó và Tướng Giáp mà ông gặp?
Tiến sĩ, Nhà sử học MỹJohn Prados: Không. Tôi không thấy có sự khác biệt gì. Những gì tôi đã nghiên cứu về vai trò của ông chỉ càng được khẳng định hơn qua cuộc gặp này. Những kiến thức tôi đọc và tìm hiểu được về các hoạt động của ông trong chiến tranh cũng như những gì tôi đọc được từ các tác phẩm của ông thực sự khẳng định ông là con người vĩ đại đúng như những gì tôi được biết về ông.
Ở cuộc gặp, Tướng Giáp thể hiện là một người có tính cách thân thiện và gần gũi. Ông cũng là người mạnh mẽ và kiên định với lập trường của mình, ông sẵn sàng chiến đấu vì những lý tưởng đó. Tôi nhớ, khi ông McManamara và Tướng Giáp ngồi nói chuyện với nhau về sự kiện Vịnh Bắc bộ, Tướng Giáp giải thích với ông Mc Manarama rằng, không hề có quân lính Bắc Việt tấn công tàu chiến Mỹ. Và khi tướng McManarama cố gắng nói đi nói lại nhằm cung cấp cho Tướng Giáp một luồng thông tin khác, và khi ông McManarama cứ ép mãi, thì Tướng Giáp cuối cùng nói dứt khoát: "Tôi chỉ nói cho ông biết sự thật mà thôi". Và tranh cãi của họ kết thúc.
Ông nghĩ thế nào về vai trò của Tướng Giáp trong lịch sử hiện đại, nhất là trong giai đoạn thế kỷ 20?
Tiến sĩ, Nhà sử học MỹJohn Prados: Tôi cho rằng, Tướng Giáp là một nhân vật mấu chốt tạo nên sự thay đổi đối với những gì đã xảy ra tại nước Mỹ. Đối với Đông Á và Việt Nam, Tướng Giáp rõ ràng là một nhân vật kiệt xuất. Đối với lịch sử thế giới thì nếu chúng ta nhìn nhận cuộc cách mạng Việt Nam như một sự kiện bước ngoặt trong thế kỷ 20 và xét trên phương diện Tướng Giáp đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này thì có thể kết luận rằng, Tướng Giáp là người có ảnh hưởng đặc biệt tới việc định hình nên một trật tự thế giới như ngày hôm nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!.