31 năm, cô giáo Liên ngày ấy 30 tuổi, mới về trường Thăng Long nay bà đã lên lão, chân đi không còn vững và không thể đứng lâu. Bà cố gắng kể rành rọt những ký ức về người thầy Đại tướng, dù đôi chỗ phải đứt quãng.
Khai giảng, hay những dịp lễ quan trọng của trường Tiểu học Thăng Long, không lần nào vắng mặt thầy. Họ gọi vị Đại tướng kính yêu của dân tộc là Thầy Giáp, xưng em một cách gần gũi bởi sự ấm áp luôn toát ra từ chính tâm hồn người lính giáo viên nhân dân.
Bà Bùi Thị Liên, Nguyên giáo viên trường Tiểu học Thăng Long (1977 -1995) nói: “Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Thầy đã ân cần chỉ bảo là phải dạy học sinh như thế nào. Dạy kiến thức, nhưng phải dạy làm người”.
‘ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932 - 1939). Ông vừa dạy học, vừa học trường Luật, vừa viết bài cho các báo.
Con phố Ngõ Trạm, Hà Nội, ngôi trường Thăng Long đã được viết chi tiết trên 1 trang lịch sử của dân tộc bởi cách đây 78 năm, tại đây, chàng thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp đã gieo vào những thế hệ học trò lý tưởng, phải sống sao cho trọn đạo với quê hương. Ông cùng với những trí thức tiến bộ như: Hoàng Minh Giám, Đỗ Văn Ninh, Đặng Thai Mai… trở thành những giáo viên đầu tiên của trường tư thục Thăng Long, cái nôi đào tạo những nhà cách mạng.
Những bài học lịch sử về phong trào Cần Vương, hay tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… được thầy Giáp truyền lại cho học trò. Giảng có sơ đồ, bản đồ, minh họa trực quan tranh ảnh, hoặc giảng ngay tại nơi diễn ra sự kiện. Những tiết học luôn có sức truyền cảm mãnh liệt.
Bà Bùi Thị Liên nhớ lại: “Thầy bảo phải đổi mới phương pháp giảng dạy để các em dễ tiếp thu. Thầy cứ ngồi ở bàn nói chuyện, chứ không phải là những bài học lên lớp nên rất thấm thía. Thầy bảo phải làm sao để học sinh yêu môn Lịch sử, yêu những trang sử nước nhà”.
“Dân ta phải biết sử ta”, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Minh đã cùng với toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử hào hùng. Theo Giáo sư sử học Phan Huy Lê, trong con người vị thống lĩnh quân sự, nét độc đáo chưa từng thấy ở bất cứ một nhà quân sự thế giới nào, đó là trước khi là nhà quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà sử học, một giáo viên dạy Sử.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói: “ Đại tướng vừa làm ra sử, vừa viết lại lịch sử. Trong hồi ký của Đại tướng, có mấy công trình có giá trị lịch sử: Thứ nhất là chiến đấu trong vòng vây, đường đến Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử và Tổng hành dinh đại thắng mùa xuân - đây là hồi ký của một Tổng chỉ huy cho nên ông vừa kể toàn bộ câu chuyện cực kỳ sinh động mang tính chất hồi ký nhưng bao quát toàn bộ lịch sử của dân tộc”.
Ngay những ngày trên giường bệnh, cách đây 2 năm, dù đã rất yếu, nhưng mỗi khi nghe tin có hội nghị khoa học về cải tiến dạy và học môn lịch sử, ông vẫn cố gắng ngồi dậy nhờ gửi thiệp chúc mừng và ký tặng, để gửi niềm tin. Ông tin vào thế hệ trẻ, tin họ sẽ viết tiếp những trang sử vàng của nước nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người được thế giới mệnh danh là “người chuyển dịch dòng chảy lịch sử" trong thế kỷ 20, “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại”. Trước khi tham gia binh nghiệp, ông là thầy giáo dạy Lịch sử. Và có lẽ chính sự am hiểu lịch sử đã làm nên cốt cách của một vị tướng đầy nhân văn.