* Trong tuần qua, một hoạt động đối ngoại của Việt Nam dù chỉ diễn ra trong chưa đầy 10 tiếng đồng hồ nhưng lại ghi dấu bởi những kết quả đạt được mang nhiều ý nghĩa. Đó là chuyến thăm chính thức Thái Lan của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng cuộc họp nội các chung lần đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (tháng 6/2013).
Đến nay Việt Nam là thành viên ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan và là đối tác duy nhất trong khối có cơ chế họp nội các chung với nước này. “Việt Nam là bạn, không phải là đối tác cạnh tranh của Thái Lan”. Tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã toát lên được mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Thái Lan và Việt Nam.
Có thể nói, điểm nhấn trong những kết quả mà hai bên đạt được chính là bản Tuyên bố chung giữa hai nước, mà chỉ riêng tên gọi cũng có thể cảm nhận được phần nào nội dung quan trọng của nó, “Bước vào thập kỷ thứ 5 quan hệ Việt Nam - Thái Lan: Hướng tới Quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường”.
*Tuần qua, những nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Việt Nam và những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đã có cơ hội soát xét lại mình. Việc Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo đánh giá toàn diện nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm cùng với kết quả một cuộc khảo sát về "Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường Việt Nam năm 2014" được công bố trong tuần qua có thể nói đã khắc họa một bức tranh khá đa dạng, nhiều chi tiết về nền kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế và người dân.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới Sebastian Eckardt thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, nếu tiếp tục đà phục hồi này, mức tăng trưởng sẽ vượt 6% và lạm phát sẽ vẫn ở trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, nếu nhìn nhận sâu sắc hơn, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn để lộ những điểm yếu cố hữu. Và dường như, nhận định này cũng được phản ánh trong một công bố khác, diễn ra trong tuần này, đó là kết quả cuộc khảo sát về “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường Việt Nam” năm 2014.
Sự đánh giá của Ngân hàng Thế giới và của khoảng 4.000 đối tượng thuộc các nhóm người dân, doanh nghiệp dân doanh; các sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI; nhóm các bộ, công chức các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương… dường như đã mang đến chung một nhận định như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các cải cách kinh tế hiện nay đang diễn ra nhưng khó khăn hơn nhiều so với công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Trong khi đó, để đánh giá vai trò các DNNN, có tới 51% người trả lời cho rằng chỉ ở mức trung bình. Đáng lưu ý, 21% cho rằng vai trò DNNN là khá tiêu cực và 8% khẳng định “rất tiêu cực”, chỉ có 2% cho là tích cực...
Tăng trưởng nhanh, phục hồi cũng nhanh nhưng phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất một cách bền vững lại là câu chuyện dài đối với Việt Nam… Đây là những nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế về việc phát triển dài hạn nền kinh tế Việt Nam, được báo Tiền Phong đăng tải.
Trong bối cảnh đó, báo Pháp Luật đặt câu hỏi, phải chăng tiến trình Cải cách kinh tế của Việt Nam chưa xứng với kỳ vọng?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!