Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

H.T-Thứ ba, ngày 19/11/2019 16:26 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

VTV.vn - Tòa án nhân dân tối cao cũng đồng tình với quan điểm không quy định về phí hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật.

Vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%

Chiều nay (19/11), tại hội trường của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc. Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân; chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước; xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Tuy vậy, thực tiễn cũng chỉ ra những hạn chế của các phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành như chứng cứ do các bên đương sự cung cấp trong tâm thế thắng thua thường không đầy đủ, còn che giấu, thậm chí ngụy tạo, hòa giải, đối thoại trong tố tụng không linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành, thời gian, công sức dành cho hòa giải, đối thoại còn hạn chế…

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chính vì vậy, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Việc gia tăng như vậy là tất yếu, tỷ lệ thuận với tăng dân số và quy mô nền kinh tế. Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý là: năm 2016 thụ lý 360.456 vụ việc; năm 2017 thụ lý 403.468 vụ việc; năm 2018 thụ lý 458.728 vụ việc. Như vậy, tỷ lệ gia tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu v.v...) mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Tình hình đó bắt buộc phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018) và sau đó mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019).

Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành, có 32.994 vụ việc về hôn nhân và gia đình (đạt tỷ lệ 86%); 3.125 vụ án về dân sự (đạt tỷ lệ 47%), 459 vụ án về kinh doanh, thương mại (đạt tỷ lệ 39,43%), 300 khiếu kiện hành chính (đạt tỷ lệ 33,07%), 107 vụ án về lao động (đạt tỷ lệ 52,45%). Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành (10.508 vụ việc), qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết".

Dự thảo Luật gồm 04 chương, 29 điều. Trong đó, Chương I - Những quy định chung gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Chương II - Hòa giải viên gồm 6 điều, từ Điều 9 đến Điều 14. Chương III - Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại gồm 13 điều, từ Điều 15 đến Điều 27. Chương IV - Điều khoản thi hành gồm 02 điều, Điều 28 và Điều 29.

Chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp

Về kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6 dự thảo Luật), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có 2 quan điểm như sau:

Thứ nhất, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quy định như vậy thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội; đồng thời, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, đặc biệt là khi phương thức này mới được áp dụng, cần có thời gian để đi vào cuộc sống. Với việc các tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết thông qua hòa giải, đối thoại, vụ việc không phải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của các luật tố tụng, kết quả giải quyết được các bên tự nguyện thi hành sẽ tiết kiệm một khoản kinh phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Thực tiễn thí điểm cho thấy việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Quan điểm thứ hai đồng tình về việc cần có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các bên lựa chọn hòa giải, đối thoại để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên, cũng cần quy định thu một khoản phí đối với một số trường hợp cụ thể với mức thu hợp lý để chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước. Theo đó, cần quy định thu phí đối với đối với các trường hợp: (1) Pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; (2) Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Tòa án nhân dân tối cao đồng tình với quan điểm thứ nhất và thể hiện quy định về kinh phí hòa giải, đối thoại như tại Điều 6 dự thảo Luật; không quy định về phí hòa giải, đối thoại trong dự thảo Luật.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến UBTP cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Theo Báo cáo của TANDTC, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Một số ý kiến UBTP tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 02 trường hợp: (1) Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; (2) Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, nếu theo phương án này, thì phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (vì hiện nay Luật phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong Danh mục phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH chưa có quy định về trình tự, thủ tục, mức thu, miễn, giảm, nộp phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên (Điều 9), Đa số ý kiến UBTP tán thành quy định, ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Thực tiễn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, hầu hết đội ngũ Hòa giải viên là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thanh tra viên đã nghỉ hưu, các luật sư, chuyên gia có nhiều năm làm công tác pháp luật nên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt cao vừa qua (78,08%) và đến nay chưa có vụ việc nào các đương sự đề nghị xem xét lại.

Một số ý kiến UBTP đề nghị quy định đối với Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải có điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác nhưng chỉ nên quy định là 05 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước