Vải thiều xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó

Trường Giang -Thứ tư, ngày 13/07/2011 09:00 GMT+7

Xuất khẩu hàng nông sản từ lâu đã là câu chuyện rất được quan tâm, bởi nó không chỉ tác động trực tiếp tới thu nhập và thúc đẩy phát triển sản xuất, mà còn thể hiện mức độ chủ động của các khâu trung gian và khả năng cạnh tranh, hội nhập của hàng nông sản Việt Nam.

8 giờ sáng, cầu đường bộ biên giới qua sông Hồng - lối đi mới mở của cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã nhộn nhịp hoạt động xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc). Khoảng 20 xe cơ giới đủ loại chở đầy những thùng vải đã được làm thủ tục và thông quan nhanh chóng. Bên kia biên giới, chủ hàng Trung Quốc cũng đã đợi sẵn để nhận hàng theo hợp đồng đã ký kết từ trước. Mọi việc diễn ra thật suôn sẻ, nhưng đó chỉ là đối với những lô hàng xuất khẩu chính ngạch.

Tất cả những thùng vải đều được dán nhãn để chứng minh xuất xứ hàng hóa, đó là nét mới rất tích cực trong mùa xuất khẩu vải thiều năm nay qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Hiện mỗi ngày có khoảng trên 1 nghìn tấn quả vải tươi được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nhưng cũng còn một điều rất đáng quan tâm là lượng xuất khẩu chính ngạch hiện mới chỉ chiếm khoảng 1/3. Phần còn lại là xuất tiểu ngạch, và hình thức xuất khẩu này vẫn đang gặp phải khá nhiều khó khăn.

Tại lối đi truyền thống của cửa khẩu quốc tế Lào Cai là một hình ảnh khác, không thuận lợi, thông thoáng và nhanh gọn như ở lối đi Kim Thành. Với chủ trương tạo thuận lợi tối đa để xuất khẩu nông sản nói chung, quả vải tươi nói riêng sang thị trường nước bạn, tỉnh Lào Cai đã chia lối đi riêng cho 2 hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch. Nhưng dù đã chia lượng hàng ra như vậy thì ở lối đi tiểu ngạch, mức độ lưu thông của quả vải vẫn chậm, thậm chí ách tắc.

Nguyên nhân là, những lô hàng quả vải xuất tiểu ngạch hầu như không có hợp đồng từ trước, cứ chở tới cửa khẩu, làm thủ tục thông quan sau đó mới tìm mối bán ở bên kia biên giới. Các chủ hàng gọi đó là kiểu buôn bán “hàng chợ”. Đã là hàng chợ thì có thể mặc cả, giá lên xuống từng ngày, thậm chí từng giờ và phần thua thiệt luôn thuộc về người bán. Không chỉ có vậy, quả vải xuất khẩu tiểu ngạch thậm chí còn làm khó cho các lô hàng chính ngạch.

Theo các chủ hàng xuất khẩu vải, chính các “cò” trong nước đưa doanh nghiệp nước ngoài về tận các vùng vải thiều ở Bắc Giang, Hưng Yên tìm hiểu về giá cả, sản lượng tại gốc cũng mang tới nhiều bất lợi. Khi đã nắm bắt được mọi thông tin, đặc biệt là về sản lượng và khung thời gian thu hoạch, các đầu mối thu mua nước ngoài sẽ sử dụng để ép giá đối tác Việt Nam. Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu và hạn chế dần, để tránh những thua thiệt không đáng có trong xuất khẩu hàng nông sản.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước