Bãi rác điện tử (Nguồn ảnh: slashgear)
Hình ảnh mà người Mỹ luôn hướng tới là những chiếc laptop, những điện thoại thông minh đời mới nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát triển của công nghệ ngày nay khiến vòng đời trung bình của những chiếc máy tính chỉ còn khoảng 2 năm.
Và cứ mỗi ngày người Mỹ lại vứt đi hàng trăm nghìn thứ đồ để theo kịp với công nghệ. Mỗi năm tại đây có tới 3 triệu tấn rác điện tử được thải ra. Song điều đáng lo ngại là một lượng lớn các loại rác điện tử hiện đang chảy về các nước đang phát triển.
Một trong những đích đến của rác điện tử là Seelampur, vùng ngoại ô nghèo phía đông thành phố New Delhi.
Anh Mohammad Azam, 32 tuổi nhưng anh đã làm công việc phân loại rác 10 năm nay cho hay: “Công việc của tôi là tập hợp những thứ đồ điện tử này, phân loại chúng. Đó là con đường kiếm sống của tôi”.
Không giống như những loại rác thông thường, dễ dàng đốt bỏ hay chôn xuống đất, rác điện tử phải trải qua một quá trình xử lý và tái chế bởi một công ty chuyên trách.
Nhưng quá trình này tốn từ 15 đến 30 USD để xử lý chỉ riêng một chiếc máy tính. Bởi vậy đa phần những rác thải điện tử được chuyển tới các nước đang phát triển, chẳng hạn như Ấn Độ, nơi chi phí xử lý giảm tới 10 lần so vói việc tái chế đúng quy cách.
Ngay cả khi theo hiệp ước Basel, việc xuất khẩu những loại rác điện tử này bị coi là phi pháp, các công ty Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển vẫn thường lách luật khi gọi chúng là loại các hàng hóa cũ.
Ông Ravi Agarwal, Giám đốc tổ chức Toxic links cho biết: “Nhiều quốc gia cho phép nhập khẩu từ các loại máy tính cũ nhằm hướng tới mục tiêu phổ biến máy tính trên toàn đất nước. Nhưng những gì họ nhận được chỉ lại toàn những thứ rác công nghệ”.
Nhưng thực tế, với một số con người tại đây, ngay cả khi họ biết rõ điều đó, cũng sẽ không chọn cho mình một con đường khác.
Anh Mohammad Azam, người phân loại rác chia sẻ: “Tôi biết nó sẽ không tốt cho sức khỏe của mình. Nhưng tôi cũng không còn nguồn sống nào khác”.
Và những bãi rác điện tử sẽ tiếp tục chất cao tại Ấn Độ. Một hình ảnh tiêu biểu cho thấy sự mắc kẹt trong kế mưu sinh của những người nghèo.