ĐBSCL khó hút doanh nghiệp đầu tư xây cao tốc
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, một số ĐBQH rất quan tâm tới vấn đề giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề: "ĐBSCL với gần 20 triệu dân nhưng đường cao tốc chỉ có 40 km, thua xa các vùng khác trong cả nước. Kể cả Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công cũng không thấm vào đâu. Vậy, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này, giải pháp ra sao để dân trong vùng ĐBSCL được hưởng lợi từ các dự án giao thông sắp tới?".
"Về 40 km đường cao tốc, chúng tôi rất trăn trở", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn ở Quốc hội. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Thể tiếp tục: "Như tôi đã nói, đầu tư đường cao tốc ở TP.HCM, ở miền Đông Nam bộ hoặc các vùng khác địa chất tương đối tốt thì sẽ dễ. Còn ở ĐBSCL, chúng tôi nghĩ chỉ có một giải pháp xây dựng đường cao tốc, đa số kinh phí từ ngân sách nhà nước bởi một suất đầu tư đường cao tốc ở ĐBSCL rất cao, phải xử lý nền đất yếu triệt để, phải có nhiều cầu, giá giá vật liệu cao.
Đây là những lý do doanh nghiệp sẽ không chọn ĐBSCL, vì suất đầu tư cao, kilomet đường ít, thu phí cũng sẽ được ít và hoàn vốn khó. Vậy nên, chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ xem xét và quan tâm đến việc này, bổ sung ngân sách để đầu tư hệ thống đường cao tốc ở vùng ĐBSCL đảm bảo hài hòa các vùng miền".
Nên xây cảng lớn, cao tốc liên hoàn ở ĐBSCL
Cũng về vấn đề giao thông ở ĐBSCL, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đặt câu hỏi: ĐBSCL có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được Trung ương và bộ ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn. Là tư lệnh ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng suy nghĩ và có giải pháp gì?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản với khối lượng lớn. Tuy nhiên, hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa.
"ĐBSCL có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10.000 tấn đầy tải. Để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu.
Trong kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác", Bộ trưởng Thể báo cáo.
Cảng biển ở ĐBSCL. Ảnh: VTV1
Vị tư lệnh ngành GTVT cho biết thêm: "Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Ở vị trí đó, mớn nước sâu khoảng 15 - 16 m, không phải nạo vét luồng. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. Khi có cảng, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá".
Theo Bộ trưởng Thể, trong quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp hai bên đường cao tốc, đưa hàng hóa ra nước ngoài.
"Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ", Bộ trưởng Thể kỳ vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!